Thúc đẩy tạo việc làm cho người khuyết tật Hà Nội

Theo thông tin tại cuộc tổng kết 1 năm hoạt động của Văn phòng Hòa nhập (Hội người khuyết tật Hà Nội) vừa diễn ra, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật Hà Nội sắp được thành lập nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác giúp đỡ và tạo thuận lợi cho việc hòa nhập của người khuyết tật.
Việc tăng cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp và dịch vụ việc làm cho người khuyết tật (NKT) là một việc quan trọng hàng đầu để giúp họ hòa nhập tốt hơn với xã hội.

Thời gian qua, Văn phòng Hòa nhập NKT Hà Nội, với sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động thế giới đã triển khai nhiều khóa tập huấn và các chương trình hỗ trợ NKT Thủ đô. Có 91 NKT là hội viên các câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật, thành viên trung tâm Vì ngày mai và hội viên Hội NKT huyện Đông Anh và huyện Thanh Oai.

Anh Trịnh Xuân Dũng, Chủ tịch Hội NKT huyện Đông Anh là một trong những học viên đã tham gia các chương trình tập huấn này. Anh Dũng cho biết, những chương trình hỗ trợ đã tạo điều kiện cho anh được tham gia nhiều lớp khởi sự doanh nghiệp, giúp anh tự tin hơn trong cuộc sống. “Tôi đã được hướng dẫn cách lựa chọn địa điểm, cách thức bán hàng thế nào để tạo ra lợi nhuận”, anh Dũng nói. Sau các khóa học khởi sự doanh nghiệp, anh Dũng đang mở một đại lý bán vé máy bay cho Hãng hàng không Vietnam Airlines ngay tại nhà, đồng thời mở thêm một cửa hàng dịch vụ bán hàng tạp hóa tạo thu nhập cho gia đình anh. Không giấu được vui mừng, anh Dũng kể: “Hồi trước, tôi nghĩ, nếu kinh doanh, phải xác định tư tưởng là một vài tháng đầu sẽ chịu lỗ. Nhưng không ngờ, sau khi mở cửa hàng, ngay tháng đầu tiên tôi đã có lãi”. Cửa hàng của anh cũng giúp cho một NKT trong huyện có chỗ làm việc, thu nhập 2- 3 triệu đồng/tháng- một số tiền không phải là lớn nhưng anh Dũng rất vui.

Lớp đào tạo nghề mây tre đan cho người khuyết tật tại Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: Quý Trung - TTXVN


Hội NKT Đông Anh được thành lập gần 3 năm nay, có 170 hội viên. Điều khiến anh Dũng còn băn khoăn và lo nghĩ vẫn là đời sống của các hội viên. “Phải có gần 80% số hội viên là đối tượng nghèo và cận nghèo”, anh Dũng ưu tư.

Trước thông tin sắp thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập NKT, với tư cách như một doanh nghiệp xã hội, anh Dũng rất vui và tin tưởng: “Trung tâm sẽ tạo nhiều công ăn việc làm cho NKT”.

Hiểu được kỳ vọng từ phía NKT, bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội cho biết: “Trung tâm dịch vụ hòa nhập sẽ tiếp cận với các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, các trung tâm giới thiệu việc làm để thuyết phục và khuyến khích họ sử dụng lao động khuyết tật, giới thiệu và tư vấn việc làm cho NKT. Sau khi các nơi đã nhận NKT vào làm, chúng tôi lại lắng nghe những ý kiến của họ về quá trình làm việc và phản hồi lại cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, từ đó, trao đổi lại với các đơn vị sử dụng lao động khuyết tật, tư vấn cho họ tháo gỡ các vướng mắc”. Dịch vụ này, theo bà Vân, hoàn toàn miễn phí với NKTvà sẽ chỉ thu một khoản phí hợp lý đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng. Nếu thực hiện thành công ở Hà Nội, bà Vân tin rằng, cách làm này có thể làm ở các tỉnh, thành khác, vì lợi ích cho NKT mỗi địa phương.

Ủng hộ kế hoạch này của Hội Người khuyết tật Hà Nội, đại diện Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội cho biết với trang thiết bị đào tạo nghề hiện có, đơn vị này sẵn sàng phối hợp và tạo điều kiện hỗ trợ việc dạy nghề cho NKT sau khi họ được nhận vào các doanh nghiệp.

Theo thống kê của Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), tính đến tháng 12/2010, toàn thành phố Hà Nội có 86.708 NKT, chiếm (1,38%) dân số. Trong đó, số NKT còn khả năng lao động nhưng thiếu việc làm hoặc không có việc làm vẫn chiếm tỉ lệ cao. Bên cạnh đó, các dự án phục vụ cho việc dạy nghề, vay vốn, bố trí việc làm cho NKT còn khó khăn. Do nhiều yếu tố: Hạn chế về trình độ học vấn, sức khỏe, phần lớn NKT là lao động chính trong gia đình nhưng vì không có việc làm hoặc thiếu việc làm dẫn tới kinh tế chung của gia đình bị ảnh hưởng… Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhiều NKT Hà Nội hiện nay còn rất nhiều khó khăn.

Trước thực tế “còn nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nhập cuộc trong việc nhận lao động là NKT”, như chia sẻ từ một cán bộ Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội, sự ra đời và hoạt động của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập NKT Hà Nội sẽ là một tin vui đối với cộng đồng NKT, giúp họ yên tâm hơn trong bước đường tìm việc sau này.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN