Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất thải phát sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đó là sức ép rất lớn lên sức khỏe người dân và môi trường sống. Mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 68.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó TP Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm gần 1/3. Tuy nhiên, năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý mới đạt 88,34%, còn gần 12% chưa được thu gom và xử lý. Đây chính là nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ phát tán vào sông, kênh, rạch.
Thời gian qua, cả nước đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp như biến chất thải thành nguồn tài nguyên, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế của đất nước; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ chất thải… Từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ chất thải phải chôn lấp giảm từ 75% năm 2020 xuống còn 62%; xử lý bằng phương pháp đốt có phát điện là 10,25%; xử lý chất thải thực phẩm thành mùn, phân hữu cơ chiếm 16,15% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt.
TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường sông, kênh rạch và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng thải bỏ rác bừa bãi ra đường phố, kênh, rạch chưa được giải quyết triệt để.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, để đạt các mục tiêu về cải thiện chất lượng môi trường sông, kênh, rạch, việc kiểm soát nguồn thải, bao gồm thu gom, xử lý nước thải, rác thải đô thị là nhiệm vụ đang được cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện. Thành phố tăng cường giải pháp ngăn ngừa xả thải bừa bãi, duy trì thu gom, xử lý rác thải trên sông, kênh, rạch.
Cùng với đó, Thành phố đặt trọng tâm triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải từ nguồn, từng bước chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đảm bảo 100% rác thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định. Đồng thời, Thành phố đẩy mạnh phân loại nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn với chất thải, nhất là chất thải nhựa.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho rằng, bằng cách thu gom rác thải trên sông, chúng ta đang trực tiếp ngăn chặn nhựa từ đất liền đổ ra biển. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ thu gom rác thải ở các tuyến đường thủy là quan trọng. Việc cải thiện quản lý rác thải trong Thành phố sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong môi trường. UNDP mong muốn tiếp tục hợp tác với TP Hồ Chí Minh trong các dự án về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn và xây dựng cơ sở thu hồi vật liệu (MRF).
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai hệ thống thu gom rác Interceptor 003 tại sông Cần Thơ; kinh nghiệm thu gom, dọn rác và làm sạch các thủy vực, trong đó tập trung vào rác thải nhựa. Các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để duy trì và nhân rộng giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch; tăng cường hợp tác công -tư, cùng với sự hỗ trợ từ tổ chức quốc tế...