Đối với những vị trí bị sóng biển “ngoặm” sâu vào bờ, Thừa Thiên-Huế đang huy động nguồn lực để xây dựng một số đoạn kè cứng nhằm cản bước tiến của sóng biển.
Người dân ở thôn An Dương 3, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang trước đây muốn ra bờ biển phải đi bộ vài chục mét, xuyên qua những cánh rừng thông phòng hộ chắn cát mới tới nơi. Nay ngồi ở trong nhà, người dân có thể nghe rõ tiếng sóng biển xô bờ và mỗi khi mùa mưa bão đến phải chuẩn bị tâm thế sơ tán đến nơi an toàn.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, tình trạng sạt lở bờ biển ở địa phương diễn ra từ trước năm 2010, biển xâm thực sâu vào bờ khoảng từ 5-7m/năm tùy thuộc cường độ của các đợt áp thấp, mưa bão. Mùa mưa bão lịch sử năm 2020 biển xâm thực mạnh nhất, có vị trí sóng biển cuốn trôi cả một vạt rừng phi lao phòng hộ, tiến sâu đất liền khoảng 30m.
Tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân địa phương và đã có 50 hộ phải di dời nhà đến nơi ở mới. Từ năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai xây dựng một số đoạn kè cứng ở một vài vị trí sạt lở nghiêm trọng ở thôn An Dương 1, 2, đến nay khu vực bờ biển tại đây bước đầu ổn định, vào mùa hè có cát bồi lắng tạo bãi.
Trước thực trạng xâm thực bờ biển đoạn qua thôn An Dương 3, năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế đã đầu tư xây dựng mới, gia cố đoạn kè cứng với chiều dài hơn 920m, độ cao từ chân kè lên tới mặt đường khoảng 35m. Nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực và máy móc làm việc tại công trường để sớm hoàn thành đoạn kè này vào cuối tháng 12/2021.
Ông Dương Tuấn Dũng, Công ty cổ phần Thủy lợi Thừa Thiên - Huế cho biết, tiến độ thi công tại đoạn kè này đạt hơn 75% khối lượng công việc. Việc thi công kè bờ biển phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, triều cường nên đơn vị luôn tăng ca để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình nhằm sớm đưa vào sử dụng, góp phần hạn chế tình trạng nước biển xâm thực sâu hơn vào đất liền ở khu vực này.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa phương hiện có hơn 12,4km bờ biển bị sạt lở nặng, tập trung ở những khu vực như các xã Phong Hải, Phong Hòa (huyện Phong Điền), Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền), Hải Dương (thành phố Huế), Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang), Vinh Mỹ, Giang Hải (huyện Phú Lộc).
Vào mùa mưa bão những năm gần đây, tốc độ xói lở trung bình ở bờ biển này từ 3-5 m, có nơi từ 5-7m. Đặc biệt, đoạn bờ biển qua xã Giang Hải, huyện Phú Lộc trong 10 năm trở lại đây bờ biển đã bị xói sâu vào khoảng 100-200m. Tình trạng xâm thực bờ biển đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống gần bờ biển, uy hiếp đến những dải cồn cát ven biển, ảnh hưởng tới hệ thống giao thông, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của các xã, thị trấn ven biển, nhiều đoạn có nguy cơ mở cửa biển mới…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên-Huế Đặng Văn Hòa cho biết, nguyên nhân tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, kéo theo sự bất thường của thời tiết, nhất là các đợt bão, lũ lớn; tác động của việc xả lũ của các hồ thủy điện, yếu tố địa hình các sông ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngắn và dốc, lượng phù sa, bùn cát trong dòng sông bị mất cân bằng…
Ngoài bờ biển, thiên tai cũng gây xói lở và bồi lắng các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Lăng Cô, Lạch Giang làm tăng nguy cơ mất ổn định tự nhiên, ảnh hưởng đến dòng chảy thoát lũ cũng như tuyến luồng lạch hoạt động của hàng ngàn tàu thuyền khai thác thủy sản, vận chuyển hàng hóa ra vào cửa biển trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế Đặng Văn Hòa, trước tình hình trên, thời gian qua, bằng nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn khác, tỉnh đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều dài 6,2 km. Kết quả bước đầu cho thấy các công trình kè chống sạt lở đang hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã di dời, sắp xếp bố trí tái định cư đến nơi an toàn, ổn định cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân ở vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng xâm thực bờ biển; trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu; tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển; ngăn chặn việc khai thác cát sỏi trái phép trên các sông và ven biển...
Với 12,4km bờ biển bị sạt lở nặng hiện nay, tỉnh ước tính cần khoảng 1.336 tỷ đồng để thực hiện xây dựng kè cứng chống sạt lở trong thời gian tới. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế Đặng Văn Hòa cho biết, việc đầu tư xây dựng hệ thống kè biển đòi hỏi kinh phí rất lớn, do vậy tỉnh chủ trương chỉ làm ở những vị trí xung yếu bị xâm thực nghiêm trọng.
Về lâu dài, Thủ tướng Chính phủ đã công văn chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chuyên môn Trung ương nghiên cứu tổng thể để đưa ra giải pháp chỉnh trị chống xói lở bờ biển các tỉnh, thành ở miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận.
Thừa Thiên - Huế đang lập dự án chỉnh trị, nạo vét luồng cửa biển Thuận An giai đoạn 2 với việc đầu tư thêm tuyến đê chắn cát phía nam dài 240m; lập dự án triển khai giai đoạn 1, kè chống sạt lở qua xã Phú Hải, huyện Phú Vang dài khoảng 500m; chuẩn bị triển khai dự án chỉnh trị ổn định nạo vét cửa Tư Hiền ở huyện Phú Lộc.