Lực lượng công an thị xã Hương Trà giúp dân thu gom cá lồng chết hai bên bờ sông Bồ thuộc địa bàn xã Quảng Phú. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường ở các địa phương bị ngập sâu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung lưu ý ngành y tế cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để ngộ độc thực phẩm xảy ra; tập trung xử lý môi trường với phương châm nước rút tới đâu xử lý đến đó, qua đó ngăn chặn các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tiêu chảy, bệnh ngoài da…
Huyện Phú Lộc là một trong những địa phương bị thiệt hại rất nặng với trên 6.700 nhà bị ngập sâu từ 20cm - 50cm, khoảng 5.000 con gia súc, gia cầm bị chết do lũ cuốn...Với phương châm "nước rút đến đâu khắc phục đến đó", chính quyền địa phương đã chủ động giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường bằng việc phun hóa chất khử trùng ở hơn 3.800 hộ có nhà và công trình bị ngập lụt; phun hóa chất, vệ sinh môi trường ở 12 chợ, 8 trường học; hướng dẫn hàng nghìn hộ xử lý nguồn nước sinh hoạt, đồng thời thu gom xác gia súc, gia cầm bị chết để xử lý...
Theo Sở Y tế Thừa Thiên - Huế, các trung tâm y tế tuyến huyện, thị đã thành lập 5 đội y tế dự phòng đi đến tất cả các vùng lũ triển khai phun hóa chất tiêu độc khử trùng, đồng thời tuyên truyền người dân ăn chín, uống sôi và hướng dẫn người dân tiệt trùng nguồn nước uống bằng viên sủi khử khuẩn làm sạch nước Aquatabs 67mg.
Công tác cấp cứu, thu dung và điều trị cho người bệnh sau mưa lũ cũng được các đơn vị y tế trong tỉnh chú trọng từ nhân lực, thuốc men, bố trí giường bệnh, đến các điều kiện cần thiết để đáp ứng tốt nhất nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người dân, nhất là những trường hợp bị tai nạn do mưa lũ. Sở Y tế Thừa Thiên - Huế đã cấp 20 cơ số thuốc, 100.000 viên Cloramin B, 100 chiếc áo phao... cho tuyến y tế cơ sở để phòng chống dịch bệnh sau lũ.