Mực nước trên sông An Cựu, thành phố Huế dâng cao.
|
Các Ban quản lý các hồ thủy lợi, thủy điện cần bám sát tình hình mưa lũ, nhất là lượng nước từ thượng nguồn đổ về để điều tiết mực nước, đảm bảo an toàn an toàn hồ đập và vùng hạ du, đặc biệt là thành phố Huế.
Giám đốc Ban quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 Ngô Thông cho biết, do mưa lớn, có lúc lưu lượng nước về hồ Tả Trạch lớn nhất là 5.000m3/s nhưng chỉ xả điều tiết khoảng 500 - 600m3/s, giữ lại nước để thực hiện nhiệm vụ cắt lũ cho hạ du, đặc biệt là thành phố Huế. Từ 19 giờ ngày 3/11 đến nay, hồ Tả Trạch đã giữ lại trên 300 triệu m3 nước (giữ 80% lượng nước lũ) nên đã giảm rất nhiều ngập lụt ở vùng hạ du.
Đây là lần đầu tiên công trình hồ Tả Trạch đón trận lũ lớn nhất từ trước đến nay và hiện giờ các hạng mục vẫn đảm bảo an toàn. Hiện tại mực nước hồ cao hơn mực nước dâng bình thường là 45m. Để đảm bảo an toàn cho công trình, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo điều tiết lượng nước đi bằng lượng nước đến để ngang bằng mực nước dâng bình thường. Khi ngang về mặt nước dâng bình thường sẽ tiếp tục giảm xả nước về vùng hạ du để hạ mức nước các sông ở vùng hạ du, giúp tình trạng ngập ở thành phố Huế giảm nhanh.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay 100% công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đều đảm bảo an toàn. Các hồ chứa nước đã mở toàn bộ cửa van, nếu mưa đến sẽ qua tràn tự do. Tất cả các cống trên đê đã được mở, sẵn sàng thoát lũ. Tại đập Thảo Long, do ảnh hưởng của triều cường, mực nước thượng lưu +1,88m, mực nước hạ lưu +1,83m. Hiện đập Thảo Long đã mở toàn bộ 15 cửa nhằm giảm lũ và ngập lụt cho vùng hạ du, nhất là vùng đô thị, thành phố Huế. Đập Cửa Lác hiện đã mở toàn bộ 70 cửa thoát lũ.
Về mực nước các hồ thủy điện, hiện tại hồ Tả Trạch ở mức 45,3m/45m so với mực nước dâng bình thường; lưu lượng nước đến hồ 714m3/s, lưu lượng về hạ du 1120m3/s (lưu lượng phát điện và lưu lượng qua cống xả sâu). Tương tự, thủy điện Hương Điền 57,11m/58m, lưu lượng đến hồ 922m3/s, lưu lượng về hạ du 922m3/s; thủy điện Bình Điền: 84,74m/85m, lưu lượng đến hồ 890 m3/s, lưu lượng về hạ du 888 m3/s; thủy điện A Lưới: 552,575m/553m, lưu lượng đến hồ 414 m3/s, lưu lượng về hạ du 401m3/s.
Thống kê thiệt hại bước đầu, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 4 người chết, 4 người mất tích, 1 người bị thương do ảnh hưởng của bão số 12. Toàn tỉnh có khoảng 17.588 nhà bị ngập lụt từ 0,2-0,8m. Các địa phương, đơn vị chủ động triển khai phương án sơ tán 1.559 hộ dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng đến nơi an toàn; tăng cường kiểm tra, rà soát, cảnh báo các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá đến nơi an toàn.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các đơn vị triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai; phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn. Lực lượng chức năng nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49, đường sắt Bắc Nam, đường hàng không...