Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Minh Huân: Chỉnh lương tối thiểu trong doanh nghiệp sớm hơn lộ trình

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, việc đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu trong các loại hình doanh nghiệp sớm trước lộ trình 1 quí, thực hiện ngay từ 1/10/2011 là do sức ép của chỉ số giá tiêu dùng. Theo đó, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh cao nhất là 2 triệu đồng/tháng, áp dụng cho vùng 1. Tại vùng 2, mức điều chỉnh sẽ là 1,78 triệu đồng/tháng. Riêng vùng 3 và vùng 4 được giữ nguyên so với đề xuất ban đầu là 1,55 triệu đồng/tháng và 1,4 triệu đồng/tháng.

Thưa ông, lý do gì mà Bộ lại đưa ra mức điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng hơn so với phương án ban đầu lấy ý kiến đóng góp?

Năm nay là năm đặc thù, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nên Chính phủ đã phải dùng nhiều biện pháp để đảm bảo an sinh xã hội. Sau khi lấy ý kiến của ba bên: Doanh nghiệp, người lao động và công đoàn, Bộ LĐ-TB&XH đã cân đối lợi ích của các bên để đưa ra mức điều chỉnh trình Chính phủ phê duyệt, trên tinh thần không gây căng thẳng quá và dồn gánh nặng lên doanh nghiệp.

Nhiều DN lo lắng việc Chính phủ cho điều chỉnh mức lương tối thiểu sớm vào thời điểm tháng 10 năm nay thì liệu đến đúng lịch trình là 1/1/2012, sẽ có đợt điều chỉnh nữa không, thưa ông?

Các doanh nghiệp có thể yên tâm là mức điều chỉnh này sẽ được tiến hành đến hết năm 2012, sẽ không có lần điều chỉnh nào nữa.

Còn với người lao động thì trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng cao như hiện nay để đảm bảo cuộc sống của người lao động tại thời điểm này không thể chỉ dựa vào việc điều chỉnh mức lương tối thiểu. Vậy theo ông cần phải làm gì để cải thiện đời sống người lao động?

Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng cao như hiện nay, mức lương tối thiểu nâng lên thì tiền lương thực tế của người lao động chắc chắn được đảm bảo hơn. Còn để đảm bảo cuộc sống của người lao động tại thời điểm này chắc là không thể chỉ dựa vào việc điều chỉnh mức lương tối thiểu.
Tuy nhiên, Chính phủ đã triển khai hàng loạt giải pháp để đảm bảo cuộc sống cho người lao động chứ không chỉ dựa vào lương. Cụ thể là đã điều chỉnh xuất ăn giữa ca của lao động. Bộ Tài chính cũng đã đề nghị kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp bữa ăn giữa ca, để lợi nhuận ở mức hợp lý. Hàng loạt giải pháp khác xung quanh việc hỗ trợ tiền nhà trọ, đi lại… cũng đã được Chính phủ chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện, đặc biệt là bình ổn, kiểm soát giá, tránh đầu cơ.

Trịnh thị Hằng Nga

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN