Thu hồi đất phải đồng thuận với dân

Lấy ý kiến, đối thoại trực tiếp với người bị thu hồi đất để giảm xung đột phát sinh, khiếu kiện của người dân và tăng tính đồng thuận. Đó là những điều mà nhiều chuyên gia cũng như người dân kỳ vọng trong quá trình hoàn thiện các dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.


Bài học từ thực tế


Đã vài tháng nay, 17 hộ dân tại tổ 13 phường Cự Khối, quận Long Biên (Hà Nội) luôn "nằm trên đống lửa", mọi công việc được tạm ngừng để tập trung đem đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng về việc thu hồi đất của các hộ gia đình. Trước đó, từ tháng 7/2013, UBND quận Long Biên đã có quyết định thu hồi đất của 17 hộ gia đình trên nhằm phục vụ cho việc xây dựng khu tái định cư của quận.

 

Trong đó, một trong những vấn đề "bức xúc" của các hộ dân ở đây là do sự thiếu công khai, minh bạch và lấy ý kiến người dân. Ông Đào Thế Dư, một trong 17 hộ dân cho biết: "Quyết định thu hồi đất cũng như các phương án bồi thường hỗ trợ do UBND phường chuyển đến đều không được thông qua họp công khai với toàn bộ các hộ dân. Chúng tôi không biết gì về nội dung này trước khi được đưa ra Hội đồng nhưng UBND vẫn đưa ra quyết định phê duyệt với nhiều nội dung chưa đúng". Sau khi những quyết định trên được ban hành, 17 hộ dân tại đây đã nộp đơn khiếu nại và đề nghị xem xét lại, tuy nhiên, không hề nhận được phản hồi của UBND phường. Khi chúng tôi đến tìm hiểu thông tin cũng không nhận được sự hợp tác từ phía UBND phường Cự Khối dù đã nhiều lần đề nghị.

Căn nhà của ông Đào Thế Dư (phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội) nằm trong diện bị thu hồi.


Một câu chuyện khác, tại Đà Nẵng, gia đình ông Phạm Ngọc Liệu (phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ) rất hài lòng với khu tái định cư mới khang trang đầy đủ hạ tầng cơ sở điện nước đường đi lại và tránh được lũ lụt hàng năm. Trước đây, gia đình ông có 700 m2 đất, thổ cư 500 m2, đất khuôn viên 200 m2. Ông được đền bù 700 triệu, và dùng số tiền đó để mua 4 lô đất theo chỉ tiêu với giá 340 triệu để chia cho các con. Hiện đời sống gia đình ông rất ổn định, ông mở cửa hàng kinh doanh nhỏ đủ thu nhập nuôi cháu đang học đại học. Ông nói: "Việc thu hồi đất ở đây rất công khai, thành phố đã họp dân phổ biến quy hoạch, đo lại diện tích, kiểm định tài sản cây cối hoa màu, thời gian thu hồi và địa điểm tái định cư... chúng tôi đều được tham gia lấy ý kiến, những kiến nghị của chúng tôi đều được xem xét và tiếp thu, nên tôi cũng như các hộ gia đình khác hài lòng với chính sách thu hồi tái định cư.


Đó là cách vận dụng chính sách của TP Đà Nẵng, thành phố đã tổ chức đối thoại giữa chính quyền và người dân về việc Nhà nước thu hồi đất gắn với quy hoạch lại thành phố, giải quyết tái định cư theo quy hoạch lại thành phố. Vậy nên, lượng khiếu kiện của người dân về đất đai ở Đà Nẵng khá thấp khi thành phố tổ chức tái định cư cho nhiều khu phố lớn. Cùng đó, Đà Nẵng thực hiện cơ chế “góp đất và chia sẻ lợi ích” áp dụng với các dự án giao thông và chỉnh trang đô thị. Thành phố mở rộng diện tích thu hồi dọc theo hai bên đường, lấy quỹ đất đó “bán” cho nhà đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách. Chính quyền tổ chức đối thoại với người dân, công khai các dự án, lấy ý kiến người dân để tạo sự đồng thuận, thực hiện bồi thường bằng đất đối với các hộ tái định cư với giá trị quy đổi, cho người dân thấy được lợi ích từ việc này. Mức giá đền bù và tái định cư được áp dụng thống nhất cho tất cả các dự án toàn thành phố...


Đó là 2 câu chuyện tại hai địa phương với những cách làm khác nhau đã đem đến những hiệu quả khác nhau. Đây là những bài học thực tế cần được quan tâm trong quá trình hoàn thiện các dự thảo nghị định thi hành Luật Đất đai hiện nay.


Đối thoại trực tiếp


Luật Đất đai 2013 mới được Quốc hội thông qua được đánh giá là có nhiều tiến bộ với các quy định về công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân, cơ chế giám sát và hệ thống giám sát việc thực hiện thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để luật đi vào cuộc sống, cần được cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể, hướng dẫn về việc lấy ý kiến người dân.


Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, việc tăng cường tính đồng thuận giữa chính quyền và người bị thu hồi đất thông qua đối thoại giữa các bên liên quan là yêu cầu cần thiết để thực hiện tốt quá trình thu hồi đất đai bắt buộc theo quyết định của Nhà nước. Khi đối thoại tốt, những xung đột phát sinh về lợi ích sẽ giảm đi và tăng tính đồng thuận, giảm được khiếu kiện của người dân, đồng thời giảm nguy cơ tham nhũng.


“Các văn bản nghị định hướng dẫn không thể quy định chung chung mà phải chi tiết các nội dung. Luật Đất đai 2013 có quy định về việc lấy ý kiến người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chỉ mới đưa ra các tài liệu mà chưa đưa ra được phương thức và quy trình cụ thể của các hình thức lấy ý kiến. Người dân sẽ gửi ý kiến đóng góp của mình đến đâu, gửi cho ai và ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận và phản hồi những ý kiến đó, việc phản hồi sẽ được công khai ở đâu để người dân có thể biết. Cần công khai các ý kiến của người dân, báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến được công khai trên các trang thông tư điện tử và trụ sở UBND cấp xã”, GS. Đặng Hùng Võ đề xuất.


Ông Bùi Khắc Vư, Trưởng nhóm nghiên cứu các kiến nghị về đất đai của Liên minh đất đai Landa cho biết, việc lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định tại khoản 2, điều 69 của Luật Đất đai 2013 nhưng chưa được quy định chi tiết tại dự thảo nghị định hướng dẫn. “Với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần tổ chức các buổi họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi. Với những nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, người nghèo cần có cách thức lấy ý kiến theo nhóm riêng. Việc lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND xã, đại diện các tổ chức tham gia trợ giúp người dân và đại diện những người có đất thu hồi”, ông Vư nhấn mạnh.


Một điểm khác theo các chuyên gia đánh giá, Luật Đất đai 2013 chưa quy định rõ ràng việc có bắt buộc phải sử dụng tư vấn giá đất độc lập hay không. Và việc thành lập Hội đồng thẩm định giá cần có quy định cụ thể, các thành viên từ khu vực quản lý nhà nước không vượt quá nửa số thành viên hội đồng, còn lại là các chuyên gia về định giá. Quyết định giá áp dụng của UBND cấp tỉnh chỉ được quyết định đồng ý hay không đồng ý với kết luận thẩm định.


“Phải làm sao để người dân “được” thu hồi đất chứ không phải “bị” thu hồi, tức là phải đảm bảo tối đa lợi ích của người dân khi thu hồi đất và ổn định đời sống của họ sau khi thu hồi”, GS. Đặng Hùng Võ nhận xét.


Bài và ảnh: Thu Trang

Đảm bảo quyền lợi của người dân trong thu hồi đất
Đảm bảo quyền lợi của người dân trong thu hồi đất

Bên lề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng), Đào Trọng Thi (đoàn TP Hà Nội), Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) đã trao đổi với phóng viên xung quanh đạo luật có tầm quan trọng rộng lớn này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN