Ngày 22/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Những nội dung trọng tâm được các đại biểu Quốc hội góp ý là quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; giá đất - những vấn đề trung tâm được cử tri và nhân dân cả nước hết sức quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai lần này.
Chỉ nên "thu hồi đất" đối với những trường hợp vi phạm
Băn khoăn về cách sử dụng thuật ngữ trong dự thảo, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, cần nghiên cứu, thay đổi cụm từ “thu hồi đất” đang sử dụng trong dự thảo luật để phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền và lợi ích của người dân đối với đất đai.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho rằng, cách dùng từ “thu hồi đất” như dự thảo là chưa phù hợp với quan điểm từ trước tới nay của Đảng, Nhà nước ta trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước. Thu hồi đất chỉ phù hợp với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng đất. Trên tinh thần đó, đại biểu kiến nghị thay đổi cụm từ “thu hồi đất” bằng cụm từ “thay đổi quyền sử dụng đất”.
Tránh “lợi ích nhóm” trong thu hồi đất
Buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu tán thành thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; nhưng nếu vì lợi ích của doanh nghiệp thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu ý kiến, việc quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội là đúng đắn nhưng cần quy định rõ các trường hợp để tránh lợi ích nhóm, tránh việc lợi dụng thu hồi đất để hưởng lợi. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) thì cho rằng, quy định các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội là quá rộng, chỉ nên thu hồi trong trường hợp thật cần thiết.
Nhiều ý kiến tại buổi thảo luận cũng đề nghị quy định rõ hơn về việc lấy ý kiến nhân dân trong quản lý và sử dụng đất đai để bảo đảm quyền của nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người dân có quyền tham gia ý kiến vào lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đây cũng là việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo quyền lợi của nhân dân, tránh tình trạng thông tin quy hoạch chỉ có người có trách nhiệm và cò đất được biết, người dân không nắm được, gây thiệt thòi trong thực tế.
Một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn với quy định về thu hồi, trưng dụng đất, trong đó có điều kiện thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội với mục đích kinh doanh lợi nhuận. Do đó các đại biểu đề nghị: Khi Nhà nước thu hồi đất của người dân phải sát với giá của thị trường, đồng thời tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai để người dân có đất bị thu hồi có đủ điều kiện ổn định lại cuộc sống.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Bắc Việt, trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này nên ghi rõ là Nhà nước thay đổi quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức trong trường hợp cần thiết vì lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân. Khi tiến hành thu hồi đất cần bổ sung quy định Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể tham gia giám sát để tạo sự đồng thuận cao.
Làm rõ khái niệm về giá đất
Về vấn đề giá đất, tán thành với quy định như trong dự thảo, song các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn các khái niệm “giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá”, “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phòng, tránh các tiêu cực trong quản lý Nhà nước về đất đai.
Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị cần bảo đảm nguyên tắc nhất quán trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có tính đến yếu tố liên kết vùng, địa phương, nhằm khắc phục tình trạng cát cứ, lợi ích nhóm trong quy hoạch sử dụng đất. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền địa phương trong thu hồi đất, nhằm khắc phục hiệu quả các sai phạm tương đối phổ biến hiện nay là: Sai quy hoạch, diện tích sử dụng đất, sai thẩm quyền, trình tự thủ tục và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai.
Quang Vũ