Cần lập Ban định giá bồi thường độc lập khi thu hồi đất

Chiều ngày 22/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai sửa đổi. Phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với ông Trương Minh Hoàng, Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) Cà Mau xung quanh vấn đề này.


* Ông đánh giá như thế nào về mức bồi thường ở vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trong việc thu hồi đất, được quy định tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này?


Nhân dân thường chấp hành nghiêm chỉnh việc thu hồi đất vì mục tiêu quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, vấn đề gây bức xúc nhất trong thu hồi đất cho mục tiêu kinh tế xã hội là mức bồi thường. Trong quá trình thảo luận để sửa đổi Luật Đất đai, các ĐBQH đã kiến nghị nên có một Ban định giá bồi thường độc lập, để công bằng cho người dân giữa thời giá với khu vực và thời điểm. Xin đơn cử ví dụ, một miếng đất ngoại thành sau khi quy hoạch vào khu vực thành phố, giá đã khác so với mảnh đất liền kề, nhưng vẫn ở phía bên kia. Theo quy định hiện hành, hàng năm, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành quyết định giá đất để thực hiện chính sách thuế và phòng ngừa việc trốn thuế của một số cá nhân, doanh nghiệp… Còn việc giải phóng mặt bằng để thu hồi đất làm các dự án, đặc biệt là những dự án quan trọng, phục vụ mục đích an sinh xã hội thì cần phải thành lập một Hội đồng thẩm định giá sao cho sát với giá thị trường, để người dân không phải chịu thiệt thòi.


* Mức giá đền bù thu hồi đất sát với thị trường đã được quy định trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, theo ông quy định này có phù hợp với thực tiễn cuộc sống không?


Trong Hiến pháp đã quy định mức giá đền bù thu hồi đất do Luật quy định. Do vậy, chúng ta phải thảo luận để sửa đổi thật kỹ Luật Đất đai và bám sát vào những vấn đề người dân chưa thật sự đồng tình để cải tiến và đưa vào trong Luật. Theo tôi, phải quy định cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm khi người dân rời khỏi khu vực giải phóng mặt bằng phải có ngay nơi để họ tái định cư.


* Vậy đối với việc tái định cư, chúng ta sẽ quy định cụ thể như thế nào trong luật, thưa ông?


Theo Luật thì phải bồi hoàn cho người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ của họ, nhưng theo tôi khó thực hiện được vì hiện nay nền kinh tế đang gặp khó khăn và tùy theo điều kiện, hoàn cảnh ở từng địa bàn mà xử lý cho hợp lòng dân. Bởi lẽ, tâm lý người dân ở đâu cũng vậy. Việc họ phải ra đi khỏi mảnh đất bao năm ở, bỏ lại ruộng, vườn, nhà cửa, mồ mả ông bà được coi là thiêng liêng. Do vậy, Luật Đất đai sửa đổi cần điều chỉnh cho thật sự thỏa đáng, công bằng với sự hy sinh của người dân. Tránh để người này chịu thiệt thòi, nhưng người khác hoặc một bộ phận khác lại hưởng lợi.


* Mục đích thu hồi đất, đặc biệt là trong lĩnh vực thu hồi đất phục vụ các mục đích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã cụ thể hóa trong Luật này chưa, thưa ông?


Việc thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết, phải tập trung thực hiện vì mục đích mang tính cộng đồng. Nếu giữ vững an ninh quốc phòng và kinh tế phát triển thì mới phục vụ tốt nhu cầu đời sống nhân dân. Theo tôi cần đưa vấn đề này vào Luật Đất đai sửa đổi và có như vậy mới xây dựng và phát triển đất nước, phục vụ tốt đời sống nhân dân. Hiện nay, chúng ta đang rất khó khăn trong việc thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, nếu không đưa vấn đề này vào Luật, sẽ càng khó khăn hơn cho công tác xây dựng các công trình phục vụ kinh tế - xã hội và cứ như vậy thì đến bao giờ chúng ta mới phát triển. 


* Xin cám ơn ông!


XM (ghi)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN