Thời cơ “dân số vàng”

Vào dịp kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm nay, Việt Nam đánh dấu một mốc quan trọng và ý nghĩa khi dân số nước ta vừa đạt ngưỡng 90 triệu, trở thành nước đông dân thứ 14 trên thế giới và thứ 3 Đông Nam Á (sau Philippines và Indonesia).


Cảm xúc về mốc 90 triệu người nêu trên, lẫn lộn cả niềm vui và nỗi lo. Vui vì những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, về chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được cải thiện hơn. Càng vui hơn khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2061 về việc lấy tháng 12 hằng năm là Tháng hành động quốc gia về dân số. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhắc nhở các cấp, các ngành, mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng cần nhận thức sâu sắc rằng, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của con người... Cũng thêm một niềm vui khi ông Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) thông tin rằng, nước ta đang ở trong giai đoạn dân số vàng, tức là cứ 2 người lao động mới có 1 người phụ thuộc.


Những kết quả trên cho thấy, Việt Nam đã tiếp cận được mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý, tiến tới ổn định qui mô dân số, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bổ dân số được nêu trong Chiến lược Dân số - Chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 - một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Đó cũng là kết quả của hơn 10 năm toàn xã hội kiên trì thực hiện Pháp lệnh về Dân số, 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và hơn 50 năm thực hiện chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam...


Nói vậy, nhưng cũng chất chứa nhiều nỗi lo khi dân số tăng. Đó là chênh lệch giới tính tăng cao, dân số phân bố không đều, nhiều lao động chưa qua đào tạo nghề, nguồn nhân lực cao còn hạn chế, tuổi thọ trung bình tăng lên nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh thấp hơn nhiều nước, chỉ số phát triển con người tăng nhưng thứ hạng so với các nước không thay đổi, tốc độ già hóa dân số được dự báo ở mức cao... Bất chợt, liên tưởng tới quyết định được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành cách đây ít ngày (kèm theo bộ chỉ số liên quan của Việt Nam dựa theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc và 6 mục tiêu bổ sung của Việt Nam) đã cho thấy, già hóa dân số tuy không phải là một gánh nặng, nhưng nó sẽ làm cho gánh nặng kinh tế xã hội trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng.

Nói cách khác, dân số tăng, cũng đồng nghĩa áp lực sẽ tăng từ nhiều phía. Đó là các vấn đề về phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế... lĩnh vực nào cũng đứng trước thực trạng quá tải, chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng dân số nhanh. Ngay cả một số lĩnh vực mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua chưa thể hiện rõ tính bền vững. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhưng đã xuất hiện những dạng nghèo mới; việc chăm sóc bà mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có thành tựu đáng ghi nhận, nhưng nảy sinh mối quan ngại trong lĩnh vực chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi. Vấn đề bình đẳng giới tuy được cải thiện, nhưng tâm lý "trọng nam khinh nữ" vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người dẫn đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, gây nguy cơ mất cân bằng về giới tính...


Thời kỳ "dân số vàng" tạo ra không ít cơ hội, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, nhất là tạo áp lực cho việc hoạch định chính sách phát triển của đất nước. Vấn đề đặt ra, phải làm thế nào để tận dụng được những cơ hội của thời kỳ “cơ cấu vàng” mới là quan trọng. Có lẽ, cần tiếp thu các bài học kinh nghiệm của các nước, những thành công và chưa thành công về công tác dân số, trên cơ sở thực tiễn phát triển về kinh tế - xã hội của nước ta... Có vậy mới hy vọng giải quyết được những thách thức đặt ra đối với công tác dân số trong giai đoạn hiện nay.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN