Dông lốc kèm theo mưa làm gãy đổ cây cối, tốc mái nhiều nhà cửa, công trình tại Gia Nghĩa và một số khu vực lân cận. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
Cụ thể, mưa, dông, lốc sét... xảy ra từ ngày 10/4 - 14/4 tại các địa phương trên đã làm 3 người chết do nước cuốn trôi, sét đánh, cây lớn đè (Lai Châu, Kon Tum, Bình Dương), 1 người mất tích (do bị nước cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn trên suối Lùng Cù, thuộc bản Lùng Cù, xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), 5 người bị thương do sét đánh tại xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; 71 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng (Lâm Đồng 4 nhà, Bình Phước 9 nhà, Tây Ninh 5 nhà, An Giang 34 nhà, Bình Dương 19 nhà); 6,5ha sầu riêng (Bình Phước) và một số cây xanh (Đắk Nông) bị thiệt hại.
Cùng với đó, chiều tối 14/4, trận mưa đá, lốc xoáy bất ngờ quét qua khu vực xã Đại Lào và phường Lộc Sơn (thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã làm gãy đổ, bật gốc hơn 130 cây sầu riêng (từ 4 - 7 năm tuổi) của người dân trên địa bàn; trong đó, vườn sầu riêng của gia đình ông Lê Minh Triêm (thôn 9, xã Đại Lào) rộng gần 1 ha bị lốc xoáy càn quét khiến hơn 90 cây sầu riêng đang trong giai đoạn cho thu hoạch bị gãy đổ hoàn toàn, không có khả năng phục hồi.
Trận lốc xoáy còn khiến căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Vàng (tổ dân phố 22, phường Lộc Sơn) bị tốc mái hoàn toàn, làm hư hỏng nhiều tài sản bên trong. Sáng ngày 15/4, lực lượng chức năng của xã Đại Lào và phường Lộc Sơn (thành phố Bảo Lộc) đã hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn lợp lại mái nhà, ổn định cuộc sống sau trận lốc xoáy đầu mùa.
Chính quyền địa phương cũng đã thăm hỏi, động viên và hỗ trợ một phần kinh phí cho 2 gia đình bị thiệt hại nặng gồm ông Nguyễn Văn Em (thôn 11, xã Đại Lào, bị tốc mái nhà hoàn toàn) được hỗ trợ 5 triệu đồng và gia đình ông Lê Văn Triêm (thôn 9, xã Đại Lào, bị gãy đổ hơn 90 cây sầu riêng) được hỗ trợ 4 triệu đồng. UBND xã Đại Lào cũng đang thống kê, hoàn tất báo cáo để trình UBND thành phố Bảo Lộc có phương án hỗ trợ gia đình ông Triêm để khắc phục phần nào thiệt hại của vườn sầu riêng.
Theo thống kê, ngày 15/4 của địa phương, trận lốc xoáy đã khiến hơn 130 cây sầu riêng (4 - 7 năm tuổi) tại xã Đại Lào (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) bị gãy đổ gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: TTXVN phát
Mưa dông kèm mưa đá tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đã làm nhiều diện tích cây trồng như cao su, cây ăn trái và rau màu bị thiệt hại từ 20 đến 30%, tương đương khoảng 1,5 ha. Ngoài ra có 71 cây xanh bị gãy đổ, 10 trụ đèn chiếu sáng bị hư hỏng, một số phương tiện như ô tô, xe máy cũng bị thiệt hại do cây đổ hoặc ngập nước. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương nêu trên đã tổ chức thăm hỏi các gia đình có người bị nạn và huy động lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, đây đang là thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh thường xuyên xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vào chiều tối. Các địa phương thường xuyên theo dõi sát với diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để tiếp tục ứng phó với các hình thái thời tiết nguy hiểm đang diễn ra (nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn, dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh...), Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm theo Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương bị thiệt hại do thiên tai tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và cuộc sống, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).