Thiên tai làm 4 người tử vong và gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

Theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa dông kèm lốc, sét từ ngày 19 - 21/5 đã gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh, thành phố.

Chú thích ảnh
Dông lốc khiến 13 cột điện 35 kV tại huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) bị gãy đổ. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Tính đến 17 giờ ngày 21/5 đã có 4 người tử vong do sét đánh (Thanh Hóa 2 người, Thái Bình 1 người và Long An 1 người).

Dông, lốc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã khiến 19 ngôi nhà ở thị xã Nghi Sơn, các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Nông Cống bị tốc mái, hơn 900 ha lúa, hoa màu… bị đổ ngã.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, mưa lớn kéo dài trong đêm 20, rạng sáng 21/5 đã khiến lũ cát đỏ từ đồi cao tràn xuống lấp 1 đoạn trên đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết). Hậu quả nhiều xe máy, ô tô đi qua đoạn đường trên đã bị lún nửa thân xe không kéo ra được. Cát tràn xuống chảy vào gây ngập lún nhà hàng Đại Dương Xanh tại khu vực này. Cùng thời điểm trên, cát tràn xuống đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết) với lực chảy mạnh. Bùn, cát dày trên mặt đường làm lún 3 ô tô và một số xe máy không chạy kịp. Cát đỏ còn vùi lấp 1 nhà dân gần đồi và 10 xe máy đang để ở bãi xe gần đó.

Chú thích ảnh
Cát từ trên đồi cao tràn xuống vùi lấp khoảng 350m chiều dài đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), chỗ ngập nặng nhất cao gần 1,3m. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Mưa lớn kéo dài từ tối 20/5 đến rạng sáng 21/5 khiến Khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành, Bến Tre) chìm trong biển nước. Công nhân đi lại khó khăn, đoạn ngập sâu đến gần 1 m. Giao thông ùn tắc, hỗn loạn tại khu vực cổng vào khu công nghiệp.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều và tối 20/5, xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ khiến nhiều tuyến đường như Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, Quốc Hương, Lê Văn Việt, Dương Đình Hội, Tây Hòa (thành phố Thủ Đức) bị ngập nặng. Mưa lớn trút xuống ngay giờ tan tầm gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông, nhiều người dân phải chật vật di chuyển giữa làn nước ngập để về nhà.

Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố trên cả nước theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó xâm nhập mặn.

Các địa phương tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Thắng Trung (TTXVN)
Hành động sớm, nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai
Hành động sớm, nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai

Ngày 18/5, tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ tổ chức mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về Phòng, chống thiên tai năm 2024 với chủ đề “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN