Thí sinh Việt Nam giành Huy chương Đồng tại kỳ thi tay nghề thế giới

Tiếp nối thành công từ cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 43 năm 2015; một lần nữa, Quốc kỳ Việt Nam lại được tung bay trong Lễ trao giải của Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017, diễn ra tại Nhà thi đấu Thủ đô Abu Dhabi của Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Thí sinh Nguyễn Bá Phước tại cuộc thi.

Thí sinh Nguyễn Bá Phước của Việt Nam đã xuất sắc giành Huy chương Đồng nghề Giải pháp phần mềm Công nghệ Thông tin, là thí sinh duy nhất của đoàn Việt Nam giành được huy chương.

Còn thí sinh Nguyễn Văn Tuấn giành Chứng chỉ Nghề xuất sắc nghề Thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD. Là một trong 5 thí sinh của đoàn Việt Nam giành được Chứng chỉ Nghề xuất sắc lần này, tuy nhiên điều đáng nói, Nguyễn Văn Tuấn có tổng số điểm nhận chứng chỉ cao nhất đoàn Việt Nam.

Bốn thí sinh giành Chứng chỉ nghề xuất sắc còn lại là: Nguyễn Tất Toại (Nghề điều khiển công nghiệp), Tống Thọ Hòa (Nghề xây gạch), Chu Văn Tươi (Nghề lắp đặt điện) và Vũ Hoàng Trinh (Nghề nấu ăn).

Thí sinh Nguyễn Văn Tuấn tại cuộc thi.

Điều đáng nói, thành tích của hai thí sinh này tại cuộc thi là kết quả của sự đầu tư đào tạo khá bài bản trước khi tham dự kỳ thi. Để chuẩn bị tâm lý, kỹ năng cho thí sinh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác huấn luyện.

Trường hợp Nguyễn Bá Phước và Nguyễn Văn Tuấn, hai thí sinh này được lựa chọn từ Hội thi tay nghề Quốc gia Việt Nam năm 2016, sau đó được gửi đi đào tạo tại Trung tâm đào tạo Tay nghề Thế giới Samsung (Samsung WorldSkills Training Center) trong vòng 15 tháng, từ tháng 7/2016 đến tháng 9/2017. Trong suốt quá trình học tập tại Hàn Quốc, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Bá Phước đã được đào tạo một cách có hệ thống theo từng giai đoạn với các huấn luyện viên đã từng đoạt huy chương tại các kỳ thi tay nghề thế giới.

Các thí sinh tham gia huấn luyện kỹ năng trước khi dự thi.

Hai thí sinh Việt Nam không chỉ được huấn luyện các kỹ năng chung như lập kế hoạch – làm bài tập – phân tích vấn đề - kiểm tra đầu cuối, mà còn được rèn luyện các kỹ năng đa dạng rất cần thiết khác tại kỳ thi thực tế như phân tích SWOT, cách tổ chức vận hành trận thi đấu, chiến lược thông tin, quy tắc ứng xử, kiểm soát lý trí, chiến lược ứng phó với tình huống nguy hiểm, truyền thông…Trong quá trình học tập, Nguyễn Bá Phước và Nguyễn Văn Tuấn cùng với các thí sinh Hàn Quốc cũng đã tự rèn luyện mình qua các cuộc thi thử được tổ chức giống như với kỳ thi thực tế.

Năm 2015, tại Kỳ thi tay nghề thế giới tổ chức tại Sao Paulo, Brazil, thí sinh Nguyễn Duy Thanh, thi nghề Giải pháp phần mềm CNTT đã đạt thành tích cao nhất trong lịch sử tham gia của Việt Nam từ các năm trước với Huy chương Đồng.

Chia sẻ sau khi giành HCĐ, thí sinh Nguyễn Bá Phước cho biết: “Em cảm thấy vô cùng may mắn khi có cơ hội được huấn luyện tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng Olympic Samsung. Tại đây, em đã được tiếp cận với các công nghệ hiện đại, cập nhật kiến thức và trình độ. Nhờ sự nhiệt tình, chỉ dẫn tỉ mỉ của các thầy ở trung tâm, chỉ sau một tháng em đã bắt kịp được với các bạn được huấn luyện từ trước đó. Em cũng đã học hỏi được rất nhiều về sự chuyên nghiệp và thái độ làm việc từ các đồng nghiệp nước bạn. Khóa huấn luyện đã cho em một hành trang quý báu để bước vào Kỳ thi tay nghề thế giới 2017 với tinh thần rất tự tin và quyết tâm giành giải”.


Còn thí sinh Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Em đã cố gắng hết sức rèn luyện bản thân từ khi bắt đầu khóa huấn luyện tại Trung tâm Samsung World Skills Training Center, cho đến khi kết thúc Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44. Em rất vui và tự hào về kết quả này”.

Đánh giá về kỳ thi năm nay ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định: "Đây là kỳ thi có sự cạnh tranh rất quyết liệt và có nhiều đổi mới so với trước đây. Trước hết nói về cách ra đề, Ban tổ chức đã giao cho các hiệp hội nghề nghiệp ra một số đề. Điều này sẽ phản ánh kịp thời sự phát triển của khoa học công nghệ, phù hợp với thực tiễn sản xuất.  Tiếp đến là trước khi thi, đề thi mới được Ban tổ chức công bố, nhằm bảo đảm tính công bằng, khách quan cho các thí sinh.

Một điểm mới nữa của kỳ thi năm nay là các tiêu chí đánh giá của bài thi cơ bản được lượng hóa đến mức tối đa nhằm hạn chế tính chủ quan của giám khảo, qua đó bảo đảm tính công bằng cho các thí sinh. Đặc biệt, tại Kỳ thi này, Ban tổ chức chỉ công bố kết quả tại Lễ bế mạc, tạo ra sự hồi hộp và hấp dẫn cho các thí sinh".

Kỳ thi năm nay có 1.259 thí sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự, dự thi ở 51 nghề; gồm 49 nghề thi chính thức và 2 nghề trình diễn.

Xuân Cường - K.H/ Báo Tin Tức
WB hối thúc ASEAN gia tăng tính lưu động của lao động tay nghề thấp
WB hối thúc ASEAN gia tăng tính lưu động của lao động tay nghề thấp

Trong báo cáo "Di cư tìm kiếm cơ hội: Vượt qua những rào cản đối với sự dịch chuyển lao động ở Đông Nam Á" công bố ngày 9/10, Ngân hàng Thế giới (WB) hối thúc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gia tăng tính lưu động của lao động tay nghề thấp trong các kế hoạch hội nhập kinh tế của Hiệp hội, trong khi nhấn mạnh Đông Nam Á hiện có tỷ lệ di cư trong nội khối cao hơn các khu vực khác trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN