Theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó với bão số 7

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 7, có tên quốc tế là bão Utor đã đi vào vùng Biển Đông nước ta, chiều tối 12/8, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW) đã tổ chức họp khẩn để nhận định tình hình và đưa ra các phương án phòng chống bão. Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLBTW chủ trì cuộc họp.

 

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa bão ở Việt Nam thường tập trung nhiều nhất vào các tháng 8 - 9 - 10. Siêu bão Utor đã là cơn bão thứ 3 xuất hiện trên Biển Đông kể từ đầu tháng 8. Đây là điều khá bất thường bởi theo số liệu quan trắc chỉ có 3 cơn bão hoạt động trên Biển Đông trong tháng 8 là vào các năm 1973 và 1995. Do vậy, từ nay đến hết tháng 8 mà vẫn xuất hiện thêm 1 - 2 cơn bão nữa thì đây là trường hợp đặc biệt. Ông Hải cho biết, việc xuất hiện 3 cơn bão liên tiếp trong đầu tháng 8/2013, chỉ là vấn đề bộc phát của vùng gió xoáy, hình thành trên vùng biển nhiệt đới.


Hồi 19 giờ ngày 12/8, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 17,7 độ vĩ bắc; 118,1 độ kinh đông. Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 - 149 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16.


Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 13/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ vĩ bắc; 113,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290 km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 - 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.


Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 19 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ vĩ bắc; 110,5 độ kinh đông, trên vùng ven biển phía đông bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 - 166 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.


Trong khoảng 48 - 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 12, cấp 13, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Từ sáng 13/8, vùng biển phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.


Ban Chỉ đạo PCLBTW - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có công điện số 45/CĐ-TW ngày 11/8/2013 gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các bộ, ngành chỉ đạo các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và bão số 7. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLBTW thường xuyên đôn đốc các tỉnh thực hiện nghiêm túc theo nội dung các công điện, báo cáo tình hình mưa, lũ, sự cố đê điều.


Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp chống lũ theo cấp báo động, bảo vệ các công trình thủy lợi nội đồng, chống úng cứu lúa. Các tỉnh, thành phố Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam , Phú Yên đã có công điện và thông báo chỉ đạo các biện pháp ứng phó với áp thấp và bão số 7.


Theo báo cáo nhanh ngày 12/8 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN/BĐBP, tính đến chiều 12/8, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.295 phương tiện/270.993 người biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp và bão số 7 để chủ động di chuyển phòng tránh.


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN