Từ chi phí đầu tư 10 triệu đồng/tủ sách của Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Thành phố, cán bộ LĐLĐ huyện Đông Anh đã vận động các chủ nhà trọ trên địa bàn dành một không gian để đặt Tủ sách phục vụ công nhân thuê trọ.
Tủ sách Công đoàn bao gồm trên 50 các đầu sách dành cho đoàn viên, công nhân lao động, gồm: Sách tuyên truyền, phổ biến pháp luật như Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội; tuyên truyền các chế độ chính sách; các báo thuộc hệ thống Công đoàn; Ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền của tổ chức Công đoàn phát hành; Sách văn học, giải trí…
Công nhân La Văn Kình (quê Lào Cai) - Công ty TNHH Canon Việt Nam không giấu được niềm xúc động khi được Công đoàn quan tâm đến đời sống tinh thần người lao động. Anh Kình tâm sự, sau những giờ lao động trong phân xưởng, công nhân trở về xóm trọ, tất cả mọi sinh hoạt gói gọn trong phòng trọ chật hẹp, ngoài ngủ thì công nhân chủ yếu làm bạn với chiếc điện thoại. Được trang bị Tủ sách với nhiều đầu sách từ pháp luật đến văn học, giải trí giúp công nhân có cơ hội đọc sách, báo miễn phí, giao lưu, kết bạn nhằm tăng tính tương tác xã hội, bớt đi những giờ phút cô đơn, nhạt nhẽo...
Là Tổ trưởng Tổ tự quản số 5 thôn Bầu, ông Hà Văn Kỉnh đang có 25 phòng với trên 40 công nhân thuê trọ, cho biết: “Phần lớn công nhân ở đây đều cho rằng thành lập Tủ sách Công đoàn để người công nhân có thể mượn sách, báo đọc là rất cần thiết và hữu ích. Cá nhân ông sẽ bảo quản, vận hành Tủ sách thật hiệu quả để công nhân hàng ngày có thể mượn sách, báo.
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Huy Khánh cho biết, LĐLĐ Thành phố việc thành lập Tủ sách tại các Khu nhà trọ công nhân thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo cho đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) đồng thời thúc đẩy văn hóa đọc cho đoàn viên, CNLĐ.
Ông Nguyễn Huy Khánh đề nghị Ban Chấp hành Công đoàn xã Hải Bối, Kim Chung, Tổ trưởng Tổ tự quản và các à chủ nhà trọ tích cực tuyên truyền tới đoàn viên, người lao động hàng ngày, tranh thủ thời gian giờ nghỉ, sau khi tan tới Tủ sách do công đoàn đầu tư, trang bị để đọc sách, báo qua đó cập nhật được những thông tin mới nhất liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, nắm bắt thường xuyên nhu cầu đọc của công nhân để có những kiến nghị, đề xuất với LĐLĐ huyện Đông Anh và LĐLĐ Thành phố trang bị mới các đầu sách.
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cũng nhấn mạnh,LĐLĐ huyện Đông Anh cần thường xuyên kêu gọi ủng hộ kinh phí, bổ sung tài liệu tuyên truyền, tờ gấp các loại, tuyên truyền tư vấn pháp luật, báo, tạo chí cho các Tủ sách.
Trong thời gian tới đây, LĐLĐ thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khảo sát, đăng ký, triển khai xây dựng mới, sửa sang, trang trí “Tủ sách Công đoàn”, vận động chủ nhà trọ, chủ doanh nghiệp dành địa điểm sinh hoạt chung cho công nhân để đặt Tủ dách với mục tiêu hầu hết các Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trên địa bàn đều có Tủ sách phục vụ công nhân lao động.
Việc thành lập Tủ sách Công đoàn nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc, nâng cao giá trị sử dụng, khai thác sách, tài liệu pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân lao động nhất là công nhân đang thuê trọ, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực Thủ đô.