Đại diện gia đình cho biết, thầy Nguyễn Ngọc Ký qua đời tại nhà riêng, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Linh cữu của ông được quàn tại tư gia, số 12 đường 623D Khu Dân cư Nam Long, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Lễ nhập quan diễn ra lúc 8 giờ sáng 28/9, lễ động quan được tổ chức lúc 14 giờ chiều cùng ngày. Linh cữu của ông được đưa đi hỏa táng tại Phước Lạc Viên, thuộc thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947, quê ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm lên 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký bị bệnh và liệt cả hai tay. 7 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký lân la đến trường, đứng ngoài nghe cô giáo giảng bài, xem các bạn học. Về nhà, cậu tự học, tự viết bằng chân. Không những thế, cậu bé Ký còn dùng chân vẽ được hình bằng thước và com-pa, làm được lồng chim để chơi...
Nhờ sự cố gắng tuyệt vời của bản thân, Nguyễn Ngọc Ký đã được đi học và học rất giỏi. Năm 1962, Nguyễn Ngọc Ký được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý về tấm gương vượt khó. Năm 1963, Nguyễn Ngọc Ký tiếp tục được chọn tham dự kì thi chọn học sinh giỏi Toán toàn quốc và xuất sắc đứng thứ 5 và tiếp tục được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý lần thứ 2.
Từ năm 1966 đến 1970, Nguyễn Ngọc Ký học Ngữ văn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp, được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên nhủ, ông trở về quê Hải Hậu, Nam Định làm giảng viên. Năm 1992, ông được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Từ năm 1994, ông chuyển vào sống tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh và từ đó đến năm 2005, ông được phân công nhiệm vụ dự giờ bài giảng của giáo viên cấp 2, chép lại, tổng hợp, rút kinh nghiệm rồi đóng góp ý kiến.
Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”.
Cuộc đời và quá trình luyện viết của ông cũng đã được Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam cho vào những trang sách giáo khoa như một lời động viên, khích lệ rằng cần có ý chí nghị lực, quyết tâm cũng như hãy tin vào chính mình, một ngày nào đó bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng.
Ông cũng được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước.
Khi về hưu, dù phải chạy thận nhân tạo nhưng ông vẫn miệt mài đi giao lưu với học sinh, vừa tiếp khách tư vấn tâm lí qua Tổng đài 1088 vừa sáng tác tại TP Hồ Chí Minh.
Năm 2013, nhân dịp Nick Vujicic đến Việt Nam, ông là một trong 24 tấm gương "Hạt giống tâm hồn" của Việt Nam được vinh danh ở Trung tâm Hội nghị White Palace.
Ngoài việc giảng dạy, ông còn viết nhiều cuốn sách như hồi ký "Tôi đi học" xuất bản năm 2013; Tuyển tập "Câu đố vui tâm đắc"; cuốn "Những tâm hồn trẻ thơ"…