Từ thực tế này, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng đã có cuộc làm việc với một số khu công nghiệp trên địa bàn về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Khó khăn trong xác nhận lịch trình di chuyển
Anh Trần Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Primzen Electronics, Khu Công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương cho biết, trong những thời điểm Hải Phòng áp dụng chính sách quản lý chặt chẽ lao động ra/vào thành phố, nhiều lao động ở các địa bàn giáp ranh đã chọn ở lại địa Hải Phòng để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa giữ được việc làm, duy trì nguồn thu. Tuy nhiên, hầu hết lao động quyết định tạm trú đều gặp khó khi tìm nhà trọ hoặc các địa phương không xác nhận lịch trình di chuyển. Có những thời điểm, người lao động luôn trong tình trạng phấp phỏng vì nếu không chứng minh được lịch trình di chuyển, họ sẽ buộc phải đi cách ly, thậm chí bị quy trách nhiệm vì liên quan đến việc khai báo và xác nhận cư trú.
Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Display, Khu Công nghiệp Tràng Duệ cho biết, công ty hiện có khoảng 19.000 lao động, trong đó có 7.000 lao động ngoại tỉnh. Công ty đã xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, nếu dịch xâm nhập, công ty sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tìm nơi lưu trú cho người lao động. Trong vài tháng tới, công ty sẽ tuyển dụng thêm khoảng 4.000 lao động, như vậy, sẽ gia tăng lao động ngoại tỉnh làm việc tại doanh nghiệp. Vì vậy, đại diện Công đoàn công ty này kiến nghị Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng phối hợp với các cơ quan liên quan tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về nhà trọ và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến khu vực nhà trọ khi cần.
Đây cũng là ý kiến chung của nhiều Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng tại buổi làm việc với Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra mới đây. Các ý kiến thống nhất, Liên đoàn Lao động Hải Phòng nói riêng, các cơ quan, ban ngành nói chung cần xây dựng phương án để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động giải quyết vấn đề nhà ở nhanh, hiệu quả, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở
Đồng tình với ý kiến của Công đoàn cơ sở, ông Bùi Văn Biên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thủy Nguyên cho biết, theo khảo sát sơ bộ, Thủy Nguyên có khoảng 126 khu nhà trọ, tập trung ở các xã quanh Khu Công nghiệp VSIP (nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên). Do nhu cầu tìm nhà trọ lớn hơn cung, các chủ nhà trọ không mặn mà trong việc đầu tư cải tạo, thiệt thòi sẽ rơi vào người lao động.
Để hỗ trợ người lao động giải quyết vấn đề nhà trọ, ông Bùi Văn Biên đề xuất, trước hết, Công đoàn cơ sở tập trung rà soát, nắm được chỗ ở của người lao động. Cùng với đó, tổ chức Công đoàn nói riêng, các đơn vị liên quan nói chung cần phối hợp tốt với chính quyền, công an xã, chủ nhà trọ quản lý tốt công nhân lao động để kịp thời ứng phó, xử lý khi có các vấn đề bất lợi đối với người lao động và doanh nghiệp.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng Tống Văn Băng ghi nhận và phản ánh ý kiến của các Công đoàn cơ sở đến lãnh đạo thành phố Hải Phòng; cam kết sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, lợi ích của người lao động. Bởi hơn tất cả, người lao động chính là lực lượng đóng góp quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, thành phố nói chung.
Theo báo cáo của Khu Kinh tế Hải Phòng, hiện có khoảng 155.000 lao động đang làm việc tại 12 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó chỉ có 40% là lao động Hải Phòng, còn lại là lao động ngoại tỉnh. Phần lớn lao động ngoại tỉnh phải thuê nhà trọ để sinh sống.
Đến thời điểm này, mới chỉ có một số dự án của Tập đoàn LG xây dựng khu ký túc xá cho người lao động. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Regina Miracle International Việt Nam đang triển khai các thủ tục để chuẩn bị xây dựng khu nhà ở đáp ứng nhu cầu cho khoảng 20.000 trên tổng số gần 37.000 lao động đang làm việc tại công ty.