*Phòng, chống dịch bệnh do nCoV là nhiệm vụ cấp bách
Theo Chỉ thị khẩn này, UBND Thành phố, thủ trưởng các sở ngành liên quan và UBND các quận - huyện thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ; xác định công tác phòng, chống dịch do nCoV gây ra là nhiệm vụ cấp bách phải tập trung lãnh đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra tại đơn vị và địa phương.
UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế thường xuyên cập nhật chỉ đạo của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, để hướng dẫn các quận – huyện thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm bệnh tại thành phố, cách ly triệt để, theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm. Sở cũng phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ các vùng có dịch tại các cửa khẩu nhằm phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh do nCoV, để có những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào thành phố; phòng, chống chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, không để xảy ra các trường hợp người bệnh và cán bộ y tế lây nhiễm dịch bệnh này. Ngành y tế phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố tổ chức cách ly và quản lý người lao động, làm việc khi phát hiện trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh do nCoV.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Du lịch chỉ đạo các Công ty du lịch lữ hành trên địa bàn thành phố hủy các tour, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra của Trung Quốc, một số quốc gia trên thế giới có người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra đã được WHO công bố và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến thành phố. Bên cạnh đó, Sở Du lịch phối hợp Sở Y tế quản lý và theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe và khuyến nghị hạn chế di chuyển du khách Trung Quốc hiện đang lưu trú tại thành phố; tổ chức cách ly, quản lý du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.
Đối với các sở ngành, địa phương trực thuộc, UBND thành phố yêu cầu Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra lan rộng; triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra trong các đơn vị quân đội trên địa bàn thành phố. Sở Giao thông Vận tải cần chuẩn bị các phương án điều phối giao thông trong thành phố phù hợp với các tình huống dịch bệnh xảy ra tại thành phố. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không tổ chức đưa lao động là người thành phố đến các khu vực đang có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Sở Công Thương cần kiểm soát chặt chẽ không để lợi dụng tình hình dịch để tăng giá các mặt hàng nói trên, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ Sở Y tế phổ biến thông tin về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra đến học sinh, sinh viên trên toàn thành phố; có trách nhiệm tham gia các hoạt động phòng, chống dịch khi có yêu cầu của ngành y tế; hướng dẫn học sinh, sinh viên đeo khẩu trang y tế ở những nơi đông người. Sở Văn hóa và Thể thao hạn chế tổ chức các hoạt động lễ hội, ca nhạc, thể dục thể thao... đông người trên địa bàn thành phố, nhằm phòng tránh dịch bệnh. Chủ tịch UBND các quận huyện chỉ đạo các Phòng ban và Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp với ngành y tế quyết liệt sẵn sàng ứng phó với các tình huống phòng, chống dịch tại địa phương và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. UBND Thành phố đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành y tế thành phố và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân thành phố đối với công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.
* Khẩu trang: Nơi khan hiếm, nơi phát miễn phí
Ghi nhận tại các hiệu thuốc khu vực quận 1, 3, 5… trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là tuyến đường Tô Hiến Thành – khu vực được xem là chợ thuốc, thiết bị y tế lớn hàng đầu thành phố, mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn rơi vào tình trạng cháy hàng, nhiều cửa hàng đã dán bảng “hết hàng khẩu trang”, quy định khống chế mỗi người chỉ được mua 1 hộp/lần. Song song đó, giá khẩu trang cũng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, từ 35.000 đồng/hộp lên đến 100.000/hộp.
Trái ngược với tình trạng khan hiếm, giá khẩu trang tăng cao, tại nhiều tiệm thuốc, các tuyến đường ở quận 1, 3, 7, Gò Vấp… lại xuất hiện nhiều hình ảnh “đẹp” khi phát khẩu trang miễn phí cho người dân lưu thông trên đường. Hàng chục nghìn khẩu trang đã được phát ra, thậm chí nhiều cửa hàng còn ghi rõ chất lượng, số lượng, thời gian phát, thậm chí nhiều người dân cầm khẩu trang ra các ngã tư để phát cho người tham gia lưu thông.
Một số toà nhà văn phòng, khu làm việc đông người đã chủ động lắp đặt hệ thống đo thân nhiệt, yêu cầu nhân viên, khách hàng đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước khi vào văn phòng làm việc. Một số hệ thống nhà hàng, mua sắm, điển hình như hệ thống Sài Gòn Co.op triển khai cho nhân viên và khuyến khích khách hàng đeo khẩu trang khi tham gia mua sắm tại siêu thị nhằm phòng, ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.