Thanh niên xung kích ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng trong suốt tiến trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong hành trình đó, thanh niên không chỉ là lực lượng tiên phong ứng dụng chuyển đổi số, còn là những người góp phần đổi mới tư duy sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, sáng tạo và bền vững.

Thanh niên bắt nhịp chuyển đổi số

Chú thích ảnh
Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức Ngày hội “Thanh niên với chuyển đổi số” hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10) và Diễn đàn “Gen Z và số” năm 2024. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong tiêu thụ nông sản, những năm qua, Tỉnh đoàn Sơn La đã chủ động tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng kinh doanh số cho đoàn viên, thanh niên.

Nổi bật trong đó là các chương trình phối hợp với TikTok Shop và UBND các huyện Phù Yên, Mai Sơn, Sông Mã tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến. Gần 700 đoàn viên, thanh niên, chủ thể kinh tế tập thể đã được đào tạo bài bản về cách thức livestream bán hàng, xây dựng tài khoản thương mại trên TikTok, kỹ năng tiếp thị số và xây dựng thương hiệu cá nhân.

Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Sơn La Phạm Hà Dân Huyền chia sẻ, nhiều sản phẩm nông sản Sơn La như nhãn, dâu tây, mận hậu, cam, thịt trâu hun khói… đã được quảng bá mạnh mẽ trên nền tảng số. Trong 3 năm (2021 - 2024), hơn 70 phiên livestream đã được tổ chức, thu hút hơn 1,2 triệu lượt tiếp cận, với gần 25.000 đơn hàng thành công, đem về doanh thu hơn 1 tỷ đồng cho các chủ thể thanh niên.

Anh Nguyễn Văn Toàn, thành viên Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3 cho biết: Được Tỉnh đoàn Sơn La hỗ trợ tập huấn, các thành viên của hợp tác xã đã biết cách sử dụng các nền tảng số như Shopee, Postmart, Facebook, TikTok để quảng bá và bán sản phẩm tỏi đen. Trước đây chỉ bán quanh vùng, nay sản phẩm đã tiếp cận khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố. Ngoài ra, qua các video, bài viết trên mạng xã hội, hợp tác xã còn giới thiệu được cảnh đẹp, văn hóa, sản vật của Yên Châu, góp phần quảng bá du lịch địa phương.

Có thể thấy, thanh niên không chỉ là lực lượng sáng tạo, nhạy bén với công nghệ, còn là những người trực tiếp đưa sản phẩm OCOP (one commune one product - mỗi xã/phường một sản phẩm) của địa phương vươn xa trên thị trường số.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tiêu thụ, phong trào thanh niên tỉnh Sơn La còn tập trung vào công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hỗ trợ các gói tư vấn, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ và in ấn bao bì sản phẩm cho nhiều hợp tác xã thanh niên tiêu biểu. Cụ thể, Hợp tác xã Hua Păng (Mộc Châu) được hỗ trợ thiết kế bao bì và đăng ký bảo hộ cho sản phẩm nếp Cao Hương – một loại gạo đặc sản vùng cao; Hợp tác xã Nặm Ét (Thuận Châu) được đồng hành trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam V2; cùng nhiều sản phẩm khác như bột mắc khén, gà đen đông lạnh, ruốc gà thảo dược của Hợp tác xã Chà Mạy và Phổng Lăng.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Sơn Phạm Hà Dân Huyền chia sẻ: Việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc thiết kế bao bì đẹp, còn giúp các bạn trẻ hiểu rằng giá trị sản phẩm nằm ở sự chuyên nghiệp, ở cách kể chuyện về sản phẩm, truyền tải giá trị văn hóa bản địa ra thế giới.

Để tiếp sức cho phong trào, Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho thanh niên: phiên chợ OCOPO, hội chợ nông sản thanh niên, trưng bày sản phẩm tại các sự kiện lớn.

Mô hình livestream quảng bá nông sản tại Lễ hội Cà phê Sơn La 2023 đã thu hút hàng nghìn lượt xem chỉ trong vài giờ, cho thấy tiềm năng của việc kết hợp nông nghiệp với công nghệ số và truyền thông hiện đại.

Bên cạnh đó, công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hướng dẫn in tem truy xuất nguồn gốc cũng được đẩy mạnh, đảm bảo sản phẩm thanh niên đủ điều kiện tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín.

Phong trào xây dựng thương hiệu OCOP không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, mà còn thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp, làm giàu chính đáng ngay tại quê hương cho thế hệ trẻ. Từ việc làm chủ các sản phẩm OCOP, nhiều thanh niên Sơn La đã tự tin khởi sự kinh doanh, xây dựng mô hình sản xuất xanh, bền vững, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn giá trị bản địa.

Với những bước đi bài bản, sáng tạo và sự hỗ trợ thiết thực từ tổ chức Đoàn, lực lượng thanh niên Sơn La đang góp phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP địa phương. Đây không chỉ là câu chuyện kinh tế, còn là hành trình làm giàu tri thức, làm đẹp quê hương bằng nhiệt huyết và khát vọng của tuổi trẻ.

Phát huy vai trò của thanh niên trong giai đoạn mới

Chú thích ảnh
Đoàn viên thanh niên Hà Tĩnh đến tận nhà hướng dẫn người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: TTXVN phát

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; hưởng ứng Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021 - 2025, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, Ban Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát động mạnh mẽ phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, mạnh dạn, cũng như hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế nông thôn.

Giai đoạn 2021 - 2025, các cấp bộ đoàn đã thành lập 3.500 tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 2,3 triệu lượt hỗ trợ đoàn viên, thanh niên, người dân chuyển đổi số. Các hoạt động tập trung vào phát triển nông nghiệp thông minh, minh bạch hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu số và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, các cấp bộ đoàn đã tổ chức các diễn đàn, triển lãm ảo, tập huấn công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp với hơn 76.000 hoạt động.

Việc kết nối các sản phẩm nông sản do thanh niên làm chủ với các kênh thương mại điện tử đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo báo cáo của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, có hơn 1.500 hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên đã được thành lập, góp phần tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn lao động trẻ và cải thiện thu nhập của người dân. Gần 2.000 sản phẩm OCOP do thanh niên phát triển đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm địa phương. Hệ thống kết nối tiêu thụ sản phẩm đã mở rộng mạng lưới tiêu thụ, giúp giảm bớt khó khăn trong việc đưa nông sản ra thị trường.

Bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh, các chương trình tập huấn, hỗ trợ khởi nghiệp đã tạo điều kiện cho thanh niên tự tin khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Sự lan tỏa của các mô hình này không chỉ góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, còn nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Ngoài ra, các chương trình xúc tiến thương mại đã tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các mô hình thanh niên, từ đó xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm có hiệu quả cao. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu, khẳng định tầm quan trọng của việc hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế nông thôn.

Chú thích ảnh
Các cấp bộ Đoàn tỉnh Bắc Giang luôn cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực số để ứng dụng vào thực tế. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo Tiến sĩ Bùi Đình Hòa, Chuyên gia tư vấn OCOP, để hoàn thành tốt trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tập trung chủ động tham gia triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là chuyển đổi số ở khu vực nông thôn; tiếp tục kết nối, vận động các lực lượng xã hội hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp.

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, thanh niên đã và đang đóng vai trò xung kích trong việc chuyển đổi số nông nghiệp, từng bước khẳng định vị trí tiên phong trong xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP vươn xa. Thông qua việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, cùng những hoạt động sáng tạo và thiết thực, lực lượng trẻ đã góp phần hiện đại hóa kinh tế nông thôn, thổi luồng sinh khí mới vào diện mạo các vùng quê bằng chính sự năng động và nhiệt huyết của mình.

Hạnh Quyên (TTXVN)
Đoàn thanh niên Hà Nội thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ dịp lễ 30/4
Đoàn thanh niên Hà Nội thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ dịp lễ 30/4

Tối 28/4 tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), Thành đoàn Hà Nội tổ chức Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN