“Thượng đế” vô tư ngồi ăn bên bàn ăn dính mỡ, phía dưới chân nhớp nhúa bùn đất, giấy ăn, thức ăn thừa, còn thực phẩm đã chế biến thì để “lộ thiên” không có tủ kính che đậy… Đó là một trong những điều mà PV Tin Tức “tai nghe, mắt thấy” khi cùng đoàn thanh tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội “thị sát” thực tế ngày 29/4.
9 giờ 15 phút sáng, chúng tôi theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP “thị sát” tại Chợ Châu Long.
Liệu thượng đế có được hưởng lợi từ Tháng VSAT thực phẩm? |
Tại khu vực kinh doanh hàng ăn tại đây, các thành viên trong đoàn buộc phải dừng chân trước quầy hàng “Bún, miến, phở ngan, gà” của bà Nguyễn Thị Hương, chỉ nhìn qua thôi cũng thấy quầy hàng này vi phạm 10 tiêu chí đủ điều kiện ATVSTP. Bà chủ quầy hàng không hề có tạp dề, khẩu trang, găng tay, mũ khi bán hàng đã đành, nhưng tủ kính che thức ăn, tránh các côn trùng và bụi bặm bay vào thức ăn cũng chẳng thấy đâu.
Thấy đoàn kiểm tra hỏi tới tủ kính, bà chủ quán cười lấp liếm: “Em sẽ mang ra ngay đây. Sáng, vội hàng nên chưa kịp mang tủ kính ra, chứ ngày nào em cũng có đấy ạ”, vừa nói, bà Hương vừa ra hiệu cho một người làm cùng đi lấy tủ kính.
Phải mất một lúc lâu thì chiếc tủ kính cũng mới được mang ra và người làm cùng bà Hương cũng phải mất chừng 7 - 10 phút để cọ rửa lại tủ kính. Thế nhưng khi mang ra tới nơi, chiếc tủ kính này vẫn cáu bẩn, đen đúa, lộ rõ sự thực lâu ngày chưa được dùng tới.
Lúc này, mặc cho các thành viên trong đoàn kiểm tra đi tới đi lui, một vài “thượng đế” vẫn thản nhiên xơi những bát phở nghi ngút khói. Mặc kệ phía dưới chân các thực khách là nhớp nhúa đầy giấy ăn và thức ăn thừa. Ngay sau lưng người bán hàng là khu vực rửa bát với những thùng nước rửa bát đã chuyển màu. Những chiếc bát vừa rửa được bỏ trong một chiếc rổ lớn, kê trên chiếc lốp xe máy bẹp gí sát với nền đất bẩn ướt nhoẹt vì mưa phùn.
Hà Nội: Chưa phát hiện phụ gia “biến” thịt heo thành thịt bò Trao đổi với PV Tin Tức, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Sau khi có thông tin xuất hiện phụ gia “biến” thịt heo thành thịt bò tại Trung Quốc, Ban chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung kiểm tra phụ gia thực phẩm và hiện tại chưa phát hiện ra loại phụ gia này. Thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để giám sát, kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm tại các điểm tập trung bán nguyên liệu và phụ gia thực phẩm. |
Điều đáng nói là những thực khách này hầu như không quan tâm tới những gì mà đoàn kiểm tra nhắc nhở người bán hàng. Chị Nguyễn Thị Hà, phố Châu Long, một vị khách hàng thản nhiên nói: “Đành khuất mắt trông coi thôi, chứ hàng nào cũng cứ “xăm soi” sạch hay bẩn thì chỉ có nước tự nấu ăn ở nhà thì mới mong đảm bảo ATVSTP”.
Sau khi kiểm tra thêm một vài quán ăn tại khu vực chợ Châu Long, đoàn kiểm tra “thị sát” tại “phố phở cuốn” Nguyễn Khắc Hiếu. Lúc này, nhiều chủ cửa hàng đang thúc giục nhân viên nhanh tay quyét dọn, lau chùi bàn ghế, xô chậu...
Tại cửa hàng “Bún ốc, riêu bò, phở cuốn” bên lề phố, lỗi vi phạm tương tự như cửa hàng ở chợ Châu Long: “Sáng, vội chạy hàng vì bị công an đuổi nên tôi chưa kịp mang tủ kính ra…”, bà chủ hàng vừa phân trần vừa nhanh tay bốc thức ăn vào bát cho thực khách mà không cần dùng đến găng tay.
Thấy đoàn kiểm tra, rồi máy quay phim, phóng viên ảnh, một đôi bạn trẻ đang ngồi tại cửa hàng này vội bỏ sang đường đối diện. Khi được hỏi về ATVSTP của những quán ăn đường phố, người bạn gái trả lời: “Tụi em là sinh viên xa nhà, không có nhiều tiền nên không thể vào những cửa hàng sang trọng. Đành so bó đũa để chọn một cửa hàng có vẻ sạch sẽ nhất thôi, có phải lúc nào cũng vào bếp để nấu được đâu?”.
Rõ ràng quan niệm “khuất mắt trông coi” đã ăn quá sâu vào tâm trí của nhiều người dân. Vì vậy, việc những người bán hàng quà sáng hay kinh danh thực phẩm dùng tay không để lấy thức ăn cho khách hay việc bát đũa vẫn còn nhớp nhúa đối với người tiêu dùng giờ đã trở thành quá quen thuộc. Các chủ kinh doanh thực phẩm vì vậy lại càng nhàn hạ, chỉ “năm thì mười họa” mới phải lo “đối phó” với đoàn kiểm tra về ATVSTP.
Hãy nói “không” với thực phẩm không an toànKết quả kiểm tra ATVSTP tại một số địa phương của Cục ATVSTP đã phát hiện rất nhiều loại thực phẩm được sử dụng phổ biến hàng ngày nhưng lại không hề đảm bảo ATVSTP. Cụ thể, 67% số thịt quay được kiểm nghiệm có dùng phẩm màu độc và ô nhiễm vi sinh vật; 36% xúc xích, lạp xường bị nhiễm vi khuẩn; 88% nem chạo, nem chua, giò, chả phát hiện có coliform gây tiêu chảy; 59% các loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa chất ngoài danh mục cho phép. Đặc biệt, trên 80% số mẫu dụng cụ bát đĩa, thìa đũa ở các quán ăn không đảm bảo ATVSTP, trên 85% số mẫu tay người bán hàng bị nhiễm E.Coli (gây tiêu chảy).
Theo GS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện còn khoảng 30 - 35% người dân (gồm cả người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chưa có ý thức và hành động đúng các nguyên tắc đảm bảo ATVSTP.
Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, GS Lê Anh Tuấn khuyến cáo: “Nếu người tiêu dùng kiên quyết nói “không” với những thực phẩm không đảm bảo ATVSTP thì người kinh doanh đó sẽ không thể kinh doanh được nữa. Khi đó, bắt buộc người sản xuất, kinh doanh thực phẩm buộc phải làm tốt hơn để có thể bán được hàng. Ngược lại nếu cứ “tặc lưỡi” rồi ăn cho xong thì không những tạo cơ hội kiếm lời nhanh chóng cho những người kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATVSTP mà còn có thể tự rước bệnh vào thân. Nhất là mùa hè sắp tới, việc sử dụng thực phẩm không an toàn rất dễ dẫn đến các bệnh lị, thương hàn và tiêu chảy cấp do tả”.
Phương Liên