Không gian linh thiêng
Vùng đất “lửa” Quảng Trị chính là nơi thử thách và tôi luyện những phẩm chất kiên cường, quả cảm bất khuất của con người Việt Nam; nơi chứng kiến khát vọng sống, khát vọng hòa bình bất diệt của một dân tộc đã làm lay động mạnh mẽ lương tri của nhân loại. Trong 81 ngày đêm từ ngày 28/6 - 16/9 của mùa hè “đỏ lửa” năm 1972, Thành cổ và thị xã Quảng Trị phải oằn mình hứng 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima của Nhật Bản năm 1945. Trung bình mỗi chiến sỹ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 đạn pháo của địch.
Tròn 51 năm đã đi qua nhưng ký ức của một thời hoa lửa hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của quân và dân Quảng Trị, cùng đồng bào chiến sỹ cả nước. Đó là hình ảnh của chiến sỹ, đồng bào không quản hiểm nguy ngày đêm đào hầm hào công sự, tránh bom đạn hủy diệt của địch; là dân quân du kích tiếp lương tải đạn, khâu vá áo quần cho bộ đội; là những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi của miền Bắc ruột thịt nghe "Tổ quốc gọi tên mình" đã xếp bút nghiên, tạm biệt giảng đường đại học với bao mơ ước cháy bỏng của tuổi xuân xanh để "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", xông pha vào chiến trường Quảng Trị và lập nên chiến công hiển hách, để cùng tạo nên những khúc ca bi tráng của một thời hoa lửa: “Hễ có Việt Nam có Cổ Thành/Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh/Huân chương khó đủ từng viên gạch/Tấc đất từng giây mỗi lá cành”.
Thành cổ Quảng Trị những ngày tháng Bảy, bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, từng đoàn người xếp hàng dài vào viếng, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ. Ngoài thân nhân liệt sỹ, cựu chiến binh vào viếng như thường thấy, năm nay còn có đông đảo lớp người trẻ tuổi là học sinh, sinh viên. Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Lê Phương Bắc chia sẻ, những ngày qua, người dân và du khách đến viếng ở Thành cổ Quảng Trị cả ngày lẫn đêm, đông hơn so với cùng kỳ những năm trước. Năm nay cũng ghi nhận có nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên đến viếng, tri ân liệt sỹ và tìm hiểu về lịch sử Thành cổ Quảng Trị. Đây là điều rất đáng mừng khi lớp người trẻ ngày càng quan tâm đến lịch sử dân tộc.
Ngày nay Thành cổ Quảng Trị - Tháp chuông - Quảng trường Giải phóng - Đền tưởng niệm và bến thả hoa bờ Nam, bờ Bắc sông Thạch Hãn đã trở thành "không gian linh thiêng". Cùng với Thành cổ Quảng Trị, lịch sử đã chọn dòng Thạch Hãn song hành bi tráng thấm đượm máu và hoa. Trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong mưa bom bão đạn, hàng nghìn chiến sỹ với lòng quả cảm đã anh dũng vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ chiến đấu và đã nằm lại trong mênh mông sóng nước sông quê. Máu xương các anh đã hòa vào dòng Thạch Hãn linh thiêng và nằm lại trên mảnh đất này khi tuổi còn đôi mươi, để lại bao tài hoa và ước vọng.
Cùng với các địa danh lịch sử khác, sông Thạch Hãn đã ghi dấu chiến công và mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Sông mang nặng ân tình với những chuyến đò dọc đò ngang tiếp lương tải đạn, đón đưa thương binh liệt sỹ. Sông ôm ấp chở che, chứng kiến sự ra đi và nằm lại của những người con trung kiên của Tổ quốc. Sông cùng với đất và người kiên cường bất khuất dưới lửa đạn bom khốc liệt. Sông ghi tạc chiến tích hào hùng, huyền thoại 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973), góp phần tạo tiền đề cho quân và dân ta làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 và để ngàn đời sau còn nhắc nhở: “Đò lên Thạch Hãn ơi! chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm!”.
Những ngày này ở đôi bờ Nam - Bắc sông Thạch Hãn, dòng người thả những bè hoa cùng hàng vạn đèn hoa đăng để tưởng nhớ, tri ân những liệt sỹ còn nằm dưới đáy sông. Hòa vào dòng người, cầm trên tay đèn hoa đăng thả nhẹ xuống dòng Thạch Hãn, ông Nguyễn Hồng Phong (65 tuổi, ở tỉnh Thanh Hóa) xúc động chia sẻ: Lòng sông Thạch Hãn như nghĩa trang liệt sỹ không bia mộ nhưng ai đến đây cũng cảm nhận được sự đau thương, mất mát từ chiến tranh vẫn còn đó. Do đó, mọi người đến nơi này đều mong muốn dâng một nén hương thơm, thả một cành hoa hay đèn hoa đăng vừa để tưởng nhớ công ơn, tri ân các Anh hùng liệt sỹ, vừa nhắc nhở về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Tôn vinh giá trị hòa bình
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sỹ, đây là nơi yên nghỉ của gần 60.000 liệt sỹ từ khắp cả nước; trong đó có hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia. Ở những nghĩa trang liệt sỹ này, ngày ngày làn khói hương vẫn quyện vào nhau thơm ngát trên những phần mộ, cùng với tiếng chuông thỉnh ngân vang.
Với hệ thống gần 500 di tích lịch sử cách mạng, Quảng Trị được xem như bảo tàng sinh động về di tích chiến tranh cách mạng của Việt Nam, bởi vùng đất “lửa” là nơi ghi dấu ấn đau thương và hào hùng, khát vọng cháy bỏng về hòa bình và thống nhất non sông. Trong đó, có các hệ thống di tích gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; cùng các địa danh: Đường 9 - Khe Sanh - Làng Vây - Lao Bảo - Sân bay Tà Cơn - đồi Động Tri - Căn cứ Dốc Miếu. Quân và dân Quảng Trị luôn phát huy truyền thống và đạo lý thiêng liêng của dân tộc: “Ơn liệt sĩ ngàn năm ghi tạc/Nghĩa anh hùng muôn thuở lưu danh”.
Cầu Hiền Lương và sông Bến Hải tức vĩ tuyến 17 - “nhân chứng lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã. Đây cũng là nơi đã chứng kiến những trận chiến ác liệt với bom đạn và cả những trận chiến không tiếng súng nhưng vô cùng gay go quyết liệt. Vùng đất khói bom nghịt trời năm xưa, nay đã nhường chỗ cho cuộc sống yên vui thanh bình.
Dành trọn tuổi thanh xuân chiến đấu chống Mỹ ở bờ Nam sông Bến Hải, bà Hoàng Thị Chẩm (77 tuổi, ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh; có 9 lần được phong danh hiệu Dũng sĩ) chia sẻ, hai bên bờ giới tuyến năm xưa, nay đã là những khu dân cư đông vui và những cánh đồng lúa cùng hoa màu xanh tốt. Đó là màu xanh của sự sống, của hòa bình mà trải qua quá nhiều đau thương mất mát mới có được.
Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 ở Phường 4, thành phố Đông Hà, là nơi an nghỉ của 10.800 liệt sỹ. Tại nghĩa trang này, đàn chim bồ câu trắng - biểu tượng cho hòa bình, ngày ngày vẫn tung cánh tự do bay lượn trên những phần mộ liệt sỹ như thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của người Việt Nam. Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn ở huyện Gio Linh là nơi an nghỉ của trên 10.200 liệt sỹ. Buổi tối ở nghĩa trang này được chiếu sáng nghệ thuật, cùng với những tiếng chuông thỉnh ước nguyện hòa bình liên hồi ngân vang khắp núi rừng, làm cho không gian thêm linh thiêng.
Tỉnh Quảng Trị dự kiến tổ chức “Lễ hội Vì hòa bình” vào tháng 7/2024 với thông điệp: “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” có các hoạt động chính như: Lễ khai mạc, thả hoa đăng, thắp nến tri ân, khởi tiếng chuông khát vọng hòa bình… Không gian chính của lễ hội ở Di tích quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Di tích quốc gia Đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang liệt sỹ, sông Thạch Hãn. Lễ hội sẽ tạo ra điểm nhấn cảm xúc mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị và mỗi người dân Quảng Trị trở thành một đại sứ hòa bình. Những người đến với lễ hội cùng đặt trên vai sứ mệnh mang giá trị hòa bình đi muôn nơi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, Quảng Trị là nơi trải qua nỗi đau chia cắt đất nước trong chiến tranh nên câu chuyện khát vọng hòa bình, hội tụ bạn bè bốn phương từng chịu nỗi đau chiến tranh càng có ý nghĩa. Các hoạt động lễ hội đa dạng và đa sắc thái gắn với ý nghĩa vì hòa bình, đó cũng sẽ là thông điệp xuyên suốt của các kỳ tổ chức lễ hội.