Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Cầu nhằm khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với ảnh hưởng của thiên tai.
Tại Thái Nguyên, mưa to đến rất to đã xảy ra từ ngày 1 - 4/7 và từ đêm ngày 28 - 31/7. Nước từ thượng nguồn đổ về khiến cho mực nước sông Cầu dâng cao gây ra tình trạng sạt lở bờ hữu sông Cầu (đoạn qua xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình). Chiều dài khu vực bị sạt lở khoảng 868m, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, tài sản, hoa màu, đất ở và sản xuất của 18 hộ dân với 70 nhân khẩu thuộc xóm Thanh Đàm. Nhiều biện pháp ứng phó với tình huống của thiên tai đã được địa phương đưa ra như: Khoanh vùng nguy hiểm, cắm biển cảnh báo theo diễn biến thực tế của khu vực sạt lở; bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ và thông báo đến người dân những vị trí nguy hiểm, có nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh khi xảy ra mưa lũ; kịp thời tổ chức sơ tán ngay các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đến nơi an toàn…
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch xã Nhã Lộng cho biết, để ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai, xã đã chuẩn bị sẵn sàng phương án nhằm hỗ trợ các hộ dân trong vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông Cầu. Cụ thể, xã bố trí một số điểm sơ tán người dân tại Nhà văn hóa xóm Hanh, xóm Nón…; vận chuyển thóc, lúa và những vật dụng của hộ dân bị ảnh hưởng lên vị trí khác…
Quyết định cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị ở tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp theo công điện và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành trước đó về đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản tại khu vực sạt lở. Đồng thời, các bên liên quan xây dựng phương án xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở bờ sông Cầu tại khu vực xã Nhã Lộng. UBND tỉnh Thái Nguyên giao UBND huyện Phú Bình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện kịp thời, nghiêm túc các biện pháp ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại vùng nguy cơ sạt lở.