Các nhóm đối tượng được hỗ trợ gồm: Nhóm người có công với hơn 32.000 người được nhận hỗ trợ với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng; nhóm bảo trợ xã hội có 122.000 người đã giải quyết xong với 183 tỷ đồng và nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo đã hỗ trợ cho 107.000 người với số tiền 85 tỷ đồng.
Theo ông Lê Minh Tấn, ngay trong mùa dịch bệnh COVID-19, TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc thực hiện hỗ trợ kịp thời cho 3 nhóm đối tượng trên với tỉ lệ đạt 100%. "Việc này thể hiện sự chăm lo kịp thời của Thành phố cho các đối tượng người có công, người khó khăn. Đây cũng là hành động nhân văn, nghĩa tình của TP Hồ Chí Minh và thực hiện đúng chủ trương "không bỏ lại ai phía sau"", ông Lê Minh Tấn cho biết.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương trong mùa dịch COVID-19 được 20.000 người, đạt tỉ lệ 45%. Đối với nhóm giáo viên mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ tư thục, TP Hồ Chí Minh đã giải quyết được 9.000 người, đạt 70%; hỗ trợ 3.000 lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đạt 45%. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ cho hơn 23.000 người bán vé số dạo sinh sống trên địa bàn, đạt tỷ lệ 85%.
Ông Lê Minh Tấn cũng cho biết, hiện nay, đối với nhóm lao động tự do sinh sống trên địa bàn (đối tượng được hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỷ của Chính phủ) TP Hồ Chí Minh có khoảng 210.000 người. Tuy nhiên, Thành phố mới giải quyết được 70.000/140.000 người có hộ khẩu thường trú, đạt 50%; còn lại những lao động khác thuộc diện tạm trú, cũng đang được đẩy nhanh việc hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống.
"Sở dĩ việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động tự do tạm trú đang bị chậm tiến độ là do đa số người dân muốn nhận hỗ trợ tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng để được nhận tại TP Hồ Chí Minh, người dân phải có xác nhận không nhận hỗ trợ tại địa phương thường trú thì mới được giải quyết. Mặt khác, một số doanh nghiệp chậm đưa danh sách người lao động mất việc, ngừng việc; nhiều người chưa đóng bảo hiểm xã hội... khiến quận, huyện chậm trễ trong việc xác nhận các đối tượng hỗ trợ", ông Lê Minh Tấn nói.
Để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ lao động tự do thất nghiệp, ông Lê Minh Tấn đề nghị các tổ chức sử dụng lao động sớm đưa danh sách đề xuất lao động cho các quận, huyện để kịp thời giải quyết cho người lao động ổn định cuộc sống sau mùa dịch bệnh COVID-19.