Tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Năm 2004, khi mới thành lập, hợp tác xã Dệt may thổ cẩm huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu mới có 15 xã viên. Đến nay, HTX đã thu hút hơn 50 lao động, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ trên địa bàn, góp phần giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc.

 

Tiếp cận thị trường mới


Năm 2003, khi Lai Châu chưa tách tỉnh, huyện Than Uyên vẫn thuộc địa giới hành chính của tỉnh Lào Cai. Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai xuống thực tế thấy chị em ở xã Mường Cang, huyện Than Uyên làm nghề dệt truyền thống nhiều nên thành lập một nhóm và mở lớp tập huấn để nâng cao tay nghề. Do chưa được đầu tư, hoạt động không có tổ chức nên tổ sản xuất này không hiệu quả. Năm 2004, Lai Châu tách tỉnh, huyện Than Uyên chuyển về tỉnh Lai Châu mới, HTX Dệt may thổ cẩm huyện Than Uyên được thành lập. Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã đầu tư cho HTX nhà làm việc, nhà xưởng và cửa hàng để trưng bày, bán sản phẩm.

 

Chị em trên địa bàn huyện Than Uyên tích cực tham gia hợp tác xã, có việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.


Với sự cố gắng nỗ lực của các xã viên, cùng Ban chủ nhiệm, hiện nay HTX đã tạo được uy tín đối với các bạn hàng khắp cả nước. Các mặt hàng đa dạng như: đệm, ga trải giường, váy thổ cẩm, túi, khăn, quần, áo truyền thống dân tộc, phù hợp với thị trường thu hút các đơn hàng từ Nam ra Bắc. Chị Lò Thị Thiên, Chủ nhiệm HTX cho biết: Để sản phẩm của HTX được biết đến, Liên minh HTX tỉnh tạo điều kiện để HTX chủ động đưa hàng tham gia các hội chợ ở các tỉnh, nhằm quảng bá rộng rãi và tìm kiếm bạn hàng. Mỗi lần tham gia Hội chợ thì tiêu thụ được 85% sản phẩm mang đi và nhận được các đơn đặt hàng mới trị giá gần trăm triệu đồng. Tháng 4/2011, HTX cử xã viên mang sản phẩm tham gia Hội chợ ở TP Hồ Chí Minh, thu về được hơn 20 triệu đồng và nhận được nhiều đơn đặt hàng sản xuất túi, mũ thổ cẩm với giá trị hơn 100 triệu đồng.


Để có mẫu mã mới, mang bản sắc vùng miền phù hợp với thị trường, HTX thường xuyên mở các lớp tập huấn cho các xã viên. Đồng thời, HTX cử các xã viên tay nghề cao tham gia các lớp tập huấn về dệt, may thổ cẩm của tỉnh. Chị Lò Thị Thiên tâm sự: Mỗi lần cử xã viên mang sản phẩm tham gia Hội chợ thì mình rất lo lắng, liệu có bán được hàng và có kiếm được đơn đặt hàng mới hay không? Khi bán được hàng và có nhiều khách hàng mới thì trong lòng vui ít lo nhiều. Liệu mình có khả năng đáp ứng được các đơn hàng không?... Triển khai họp xã viên, các chị em đồng lòng, cố gắng cùng nhau lăn xả vào làm. Để tạo lòng tin đối với khách hàng thì sản phẩm dù giá trị nhỏ, hay lớn cũng được kiểm tra chặt chẽ, không để bị lỗi, sai mẫu quy định. Nguyên liệu mua về sản xuất cũng được lựa chọn khắt khe, không chạy theo lợi nhuận mà làm mất uy tín.


Tận dụng lúc nông nhàn


Tham gia HTX, bận mùa vụ chị em có thể nghỉ, lúc nông nhàn vẫn có việc, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống. Chị Lò Thị Thiên cho biết: HTX hiện có 50 xã viên, trong đó 20 người là tham gia sản xuất tại xưởng thường xuyên, thu nhập bình quân đầu người gần 2 triệu đồng/tháng. Các xã viên còn lại thì được phát khung cửi và máy khâu về nhà để làm theo mẫu hàng của HTX đặt. Nhiều gia đình xã viên nói chung thuộc diện nghèo, hoàn cảnh, nhưng mạnh dạn nhận sản phẩm của các đơn hàng để tất cả các thành viên trong nhà cùng làm. Một số gia đình đã có ti vi, xe máy và có tiền để nuôi con ăn học. Tham gia HTX, các chị em được quan tâm thăm hỏi tặng quà nhân dịp lễ, Tết, ốm đau. Hàng tháng mọi người tổ chức sinh hoạt để trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, quan hệ gia đình, những khó khăn của từng thành viên để động viên và tạo điệu kiện giúp đỡ. Mục đích lớn hơn là xây dựng HTX như một mái nhà đoàn kết, tương trợ, giúp nhau trong cuộc sống...

 

Mẫu mã sản phẩm đa dạng, chất liệu tự nhiên nên được khách hàng trong cả nước lựa chọn.


Chị Mạ Thị Liến, dân tộc Thái ở đội 19, xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu) thuộc gia đình hoàn cảnh, chồng mất được hai năm để lại gánh nặng trên đôi vai chị. Vừa làm mẹ chăm sóc dạy dỗ hai người con trai, vừa là người trụ cột trong gia đình, chị Liến tâm sự: “Khi chồng mất, mình rất bối rối sẽ không biết làm gì để gia đình có cái ăn, cái mặc, con cái được học hành tử tế. Nhưng chị em phụ nữ tham gia HTX trước tới thăm và động viên tham gia cùng để được giúp đỡ, sẻ chia tình cảm và có thu nhập để trang trải sinh hoạt cho cả nhà, nên mình đến xin để trở thành xã viên. HTX tạo điều kiện cho tôi mang khung cửi, máy khâu về nhà làm. Gia đình tôi giờ cũng ổn đình phần nào”.

 

Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN