Tăng cường truyền thông để người dân nhận diện dấu hiệu lừa đảo

Vụ việc nhiều phụ huynh ở một số địa phương bị kẻ gian mạo danh là giáo viên, bác sỹ gọi điện lừa chuyển tiền gấp để cấp cứu con bị tai nạn, khiến dư luận xã hội bức xúc, đồng thời cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cũng như an ninh trong trường học.

Chú thích ảnh
Quang cảnh tọa đàm.

Từ thực tế này, chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”, do Báo Tiền Phong phối hợp với các ban, ngành tổ chức ngày 17/3, đại diện các cơ quan chức năng, quản lý cho rằng, bên cạnh việc bị lộ thông tin cá nhân, một phần nguyên nhân dẫn đến sự việc nhiều phụ huynh bị lừa là do họ còn thiếu tiếp cận, cập nhật thông tin; đồng thời, vẫn còn tình trạng thiếu kết nối nhà trường - phụ huynh.

Ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, ngày 3/3, sau khi tiếp nhận trường hợp phụ huynh đầu tiên bị lừa chuyển tiền để cấp cứu con, Bệnh viện đã cung cấp thông tin đến các cơ quan truyền thông để cảnh báo về vụ việc với dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên, đến các ngày 6-7/3, Bệnh viện vẫn còn tiếp nhận thêm một số trường hợp phụ huynh bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Điều này cho thấy, phụ huynh còn bị thiếu cập nhật, tiếp cận thông tin.

“Các bệnh viện không bao giờ có chuyện thu tiền qua điện thoại, bởi đây là sự không rõ ràng, không minh bạch. Quy trình đóng tiền ở bệnh viện rất rõ ràng, theo từng khâu cụ thể. Quy trình tiến hành ca phẫu thuật ở bệnh viện cũng rất chặt chẽ, phải có ký cam kết của gia đình, nhưng trước tình trạng bệnh nhân nguy kịch thì chính ekip có trưởng khoa sẽ chịu trách nhiệm thay cho gia đình để cứu bệnh nhân trước, không có chuyện phải đóng tiền mới được phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, Phòng Công tác xã hội sẽ là nơi tìm thân nhân hoặc kết nối nhà hảo tâm lo viện phí cho những bệnh nhân nếu hoàn cảnh khó khăn” - ông Lê Minh Hiển khẳng định.

Chú thích ảnh
Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phòng cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại tọa đàm.

Có nhiệm vụ tiếp nhận đơn các vụ việc tại đơn vị, Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, sau đại dịch, tình trạng lừa đảo có chiều hướng gia tăng và các đối tượng sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo. Trong vụ việc nhiều phụ huynh bị lừa chuyển tiền để cấp cứu cho con vừa qua, cơ quan chức năng thống kê, những kẻ lừa đảo đã lừa trên 5 tỷ đồng từ các phụ huynh.

Nhiều ý kiến lo ngại về công tác bảo mật thông tin bởi đối tượng biết chính xác các thông tin cá nhân của nạn nhân, từ đó dễ dàng lừa đảo. Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh cho rằng, trong các vụ việc bị lộ thông tin cá nhân, phần lớn là do chính cá nhân đó làm lộ thông qua việc cung cấp thông tin khi sử dụng các dịch vụ…; một phần là do các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị bị lộ thông tin. Đặc biệt, hiện nay, kẻ xấu có rất nhiều cách, kỹ thuật để lấy thông tin cá nhân trên môi trường internet, như chèn mã độc, gửi tin nhắn rác; thậm chí dữ liệu cá nhân được rao bán trên mạng cũng rất nhiều…

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cũng cho rằng, tội phạm công nghệ có nhiều kỹ thuật để có thể lấy được thông tin cá nhân qua không gian mạng. Trong khi đó, học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều nhưng chưa lường trước được các cạm bẫy, rủi ro trên không gian mạng. Vì thế, trường học cần có chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức, “tăng sức đề kháng” của học sinh trước các rủi ro, tác động của internet. Cùng với đó, nhà trường cần phải đưa những người có kiến thức chuyên môn về công nghệ để quản lý.

“Kiếm được rất nhiều tiền từ các vụ lừa đảo, nên tội phạm công nghệ cao ngày càng có nhiều thủ đoạn để lừa đảo. Thủ đoạn lừa đảo phụ huynh vừa qua không phải là mới và có thể sẽ không có điểm dừng khi công nghệ ngày càng phát triển. Vì thế, người dân cần phải cảnh giác” - ông Võ Đỗ Thắng cảnh báo.

Chú thích ảnh
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du nêu ý kiến tọa đàm.

Góc độ nhà trường, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du chia sẻ, ngay khi tiếp nhận thông tin một số phụ huynh trên địa bàn bị kẻ gian mạo danh lừa chuyển tiền “để cấp cứu cho con”, nhà trường đã nhanh chóng có thông báo khẩn tới toàn thể phụ huynh của nhà trường để cảnh giác. Xảy ra vụ việc vừa qua là do vẫn có nhiều phụ huynh thiếu cập nhật thông tin về các vấn đề xã hội, các thủ đoạn lừa đảo hiện nay, đó là kẽ hở để các đối tượng lừa đảo. Mặt khác, một số trường cũng thiếu sự liên kết với phụ huynh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Thành Nhân cho rằng, nếu nhà trường và phụ huynh có sự phối hợp thật chặt chẽ, sẽ không xảy ra tình trạng phụ huynh bị lừa đảo như vừa qua.

Đại diện các trường cho rằng, công tác bảo mật thông tin luôn được nhà trường coi trọng và khó có thể bị lọt từ hệ thống dữ liệu nhà trường. Tuy nhiên, trước sự phát triển bùng nổ về công nghệ, nếu không có cách bảo vệ thì rất dễ bị lộ thông tin. Do đó, điều quan trọng đầu tiên là phải tuyên truyền để người dân thận trọng, cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin, nhận diện và cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm.

Bài và ảnh: Thu Hoài (TTXVN)
Đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo
Đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông thống nhất triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156 từ ngày 1/11/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN