Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Ngày 13/8, Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội".

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Qua 5 năm (2014- 2019) triển khai, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã làm thay đổi sâu sắc về nhận thức, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp ngày càng xác định rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, nguồn vốn từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam cho vay đạt hơn 163 tỉ đồng, bình quân mỗi năm bổ sung gần 33 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với trước đó.

Các cấp Hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương làm tốt công tác bình xét cho vay; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ, thu lãi, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả. Với phương thức ủy thác cho vay qua các hội, đoàn thể, đến nay, Quảng Nam đã hình thành được 3.763 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, bản, cùng với hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi kịp thời đến đúng đối tượng có nhu cầu.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam đang triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách, tăng 4 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, với tổng dư nợ đạt 4.483 tỉ đồng. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát, hiện chỉ chiếm 0,14% tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Trong 5 năm qua, tỉnh có khoảng 193.200 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế; gần 21.930 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học. Hàng trăm lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Nguồn vốn vay góp phần giúp người dân có điều kiện xây mới, cải tạo trên 90.190 công trình nước sạch vệ sinh…

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, tỉnh Quảng Nam đã sớm cụ thể hóa thành các chương trình hành động nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị cũng như hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội ở cơ sở để thực hiện tốt các chương trình cho vay. Qua đó, góp phần quan trọng giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 12,1% năm 2014 xuống còn 7,57% hiện nay.

Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 40-CT/TW; tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách về một đầu mối, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tăng cường tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội để người dân hiểu rõ, tiếp cận nguồn vốn vay…

Đỗ Trưởng (TTXVN)
Tín dụng chính sách xã hội giúp tạo sự ổn định ở nông thôn
Tín dụng chính sách xã hội giúp tạo sự ổn định ở nông thôn

Ngày 31/7, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 58- CTr/TW của Tỉnh ủy Cao Bằng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN