Tuyến biên giới của tỉnh An Giang dài khoảng 100km, tiếp giáp 2 tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia), có 2 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương; 2 cửa khẩu chính (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông) và 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai. Địa hình biên giới được đánh giá là khá phức tạp với kênh rạch chằng chịt, nhiều đường mòn, lối mở qua lại dọc biên giới, nhất là khu vực cửa khẩu. Người dân hai bên khu vực biên giới qua lại làm ăn, buôn bán, thăm thân thường xuyên… tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường về an ninh trật tự, dịch bệnh.
Tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (thị xã Tịnh Biên), theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này đang vào mua thu hoạch lúa, hằng ngày có cả trăm lượt xe tải chở hàng hóa, chủ yếu là lúa tươi, trái cây, hàng gia dụng của thương nhân Việt Nam và Campuchia qua lại cửa khẩu để mua bán, giao thương. Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tại khu vực cửa khẩu thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát dịch bệnh cũng như người xuất, nhập cảnh qua biên giới, nhằm phòng ngừa triệt để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Phát Anh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Bộ đội Biên phòng An Giang) cho biết, ngoài việc tổ chức chốt chặn, kiểm tra y tế và các thủ tục liên quan khi người dân có nhu cầu qua lại cửa khẩu, Đồn phối hợp Trạm Kiểm dịch y tế Cửa khẩu Tịnh Biên và Trạm Y tế phường Tịnh Biên xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.
Đơn vị cũng thường xuyên trao đổi với các lực lượng chức năng ở phía đối diện nhằm cập nhật thông tin, tình hình kịp thời, xử lý hiệu quả khi có tình huống xảy ra; khuyến cáo người dân không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, trao đổi hàng hóa không rõ nguồn gốc...
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phụ trách Trạm Kiểm dịch y tế Cửa khẩu Tịnh Biên, dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện diễn biến rất phức tạp, người dân không được chủ quan, lơ là; đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao... Tại khu vực Cửa khẩu Tịnh Biên, lực lượng kiểm dịch luôn giám sát chủ động bằng máy đo thân nhiệt và kiểm tra thông tin từ người nhập cảnh khai báo, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ… Trường hợp phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, sẽ chuyển nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ và khám sơ bộ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền cho biết, đậu mùa khỉ (monkeypox) là bệnh lây truyền từ động vật sang người, lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh… Thời gian ủ bệnh thường từ 3 - 6 ngày, nhưng có thể dao động từ 5 - 21 ngày.
Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là: sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, phát ban (có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn). Bệnh có thể tự khỏi trong vòng từ 2 - 3 tuần.
Nhằm chủ động phòng, chống, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, lây lan ra cộng đồng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh đậu mùa khỉ; tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các khu vực đang lưu hành dịch bệnh này.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ. Người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực có dịch lưu hành, cần tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Khi có triệu chứng phát ban, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, nổi hạch, cần hạn chế tiếp xúc người khác và tới cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chẩn đoán, điều trị, phòng, chống lây nhiễm.
Sở Y tế tỉnh An Giang cũng yêu cầu Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ tại khoa khám, chữa bệnh và cộng đồng, để khoanh vùng, cách ly sớm.