Đa dạng hóa, đa phương hóa hợp tác về môi trường biển
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Nguyễn Quế Lâm cho biết, mặc dù năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại với nhiều biến chủng mới đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các nhiệm vụ, nhiều kế hoạch, chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế bị tạm hoãn, hủy, thay đổi hình thức tổ chức, gây ảnh hưởng lớn tới kết quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, trong năm 2021, Tổng cục đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo đúng chức năng và nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực, tranh thủ vốn, công nghệ và tri thức của nước ngoài hỗ trợ cho lĩnh vực biển và hải đảo, đồng thời góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trên các diễn đàn quốc tế về biển và hải đảo. Nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về biển đảo có ý nghĩa quan trọng đã được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức.
Hiện, Tổng cục đang trình cấp Bộ phê duyệt: Đề án phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển; dự án Hợp phần 1 “Điều tra, đánh giá tổng hợp, xác định khả năng chống chịu, sức tải môi trường và hệ sinh thái các vùng biển ven bờ phục vụ phát triển kinh tế bền vững, chủ động ứng phó sự cố môi trường và thiên tai’’; dự án “Điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên các đảo tiền tiêu quan trọng, phục vụ định hướng khai thác, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng”. Tổng cục cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện tốt dự án “Hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Đặc biệt, Tổng cục là đơn vị xây dựng và trình phê duyệt Đề án “Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1407/2021/QĐ-TTg ngày 16/8/2021).
Đề án thể hiện Việt Nam tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm các nghĩa vụ liên quan đến giảm thiểu, quản lý rác thải nhựa đại dương đã cam kết trong các khuôn khổ quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt những sáng kiến của Việt Nam về rác thải nhựa đại dương; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương gắn với thúc đẩy sự hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới; thực hiện hiệu quả chiến lược quản lý chuỗi giá trị nhựa; tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; thực hiện hiệu quả và thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Đề án đặt ra mục tiêu là Việt Nam tiên phong trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; chủ động, tích cực tham gia và đề xuất hình thành các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên ở Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng khẳng định, xu thế của thế giới hậu COVID-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Theo đó, một trong những hoạt động được Bộ chú trọng trong năm 2022 là tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là ngoại giao về khí hậu, môi trường, chia sẻ khai thác tài nguyên nước xuyên biên giới, tài nguyên biển; phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để nắm bắt được các cơ hội từ sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư phát triển của thế giới, nhất là từ các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đa quốc gia, nước ta cần phải rà soát, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư rất thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, các nước G7, các nước Bắc Âu,… trong đó có nhiều nước có quan hệ rất tốt đẹp và là những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, năm 2022, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là hoàn thành Quy hoạch không gian biển Quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần tiếp tục tăng cường công tác hợp tác quốc tế: đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được phê duyệt hợp tác với một số tổ chức quốc tế; xúc tiến các dự án đang xây dựng với các tổ chức của các nước có mối quan hệ hợp tác về lĩnh vực biển đảo nhiều năm nay như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển...; củng cố và mở rộng quan hệ với các đối tác đa phương và song phương về biển, đặc biệt chú ý phát triển hợp tác với các đối tác đa phương; chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương; giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; thực hiện tốt trách nhiệm thành viên trong các tổ chức quốc tế liên quan...
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm cho biết, năm 2022, Tổng cục tiếp tục chấn chỉnh và thực hiện tốt công tác phân công, phân nhiệm ở tất cả các cấp, các tổ chức thuộc Tổng cục, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian”, thúc đẩy dân chủ, sáng tạo, tạo dựng môi trường làm việc lành mạnh; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cấp; thường xuyên giao ban, đánh giá kết quả công tác của công chức, viên chức và người lao động gắn với việc thưởng, phạt kịp thời; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; chủ động tham mưu với Bộ để tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các cơ quan, lực lượng liên quan và các địa phương có biển trong quản lý biển và hải đảo.
Đặc biệt, năm 2022, Tổng cục tiếp tục tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học công nghệ. Trong đó, các đơn vị thuộc Tổng cục xác định rõ nhiệm vụ ưu tiên trong công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt là về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và rác thải nhựa đại dương; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học, công nghệ mở mới năm 2022; thúc đẩy ban hành và tham gia/chủ trì triển khai Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia về biển và hải đảo, Đề án nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ định hướng công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo giai đoạn 2021-2026…