Ngày 29/12, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ phối hợp Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại "Phí bảo vệ môi trường - Minh bạch trong quản lý, hiệu quả sử dụng".
Theo các chuyên gia, vấn đề quản lý, giám sát phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng hiện nay còn bất cập. Tại nhiều địa phương, vẫn tồn tại tư tưởng "cào bằng" trong phân bổ nguồn phí bảo vệ môi trường; phân bổ theo dân số, xã phường, mà không tính đến mức độ gây ô nhiễm của từng loại khoáng sản; dẫn đến tình trạng trong cùng một địa phương, nhưng nơi thừa, nơi thiếu vốn để triển khai các hoạt động, khắc phục ô nhiễm.
Chất thải rắn được thải ra từ khai thác chì kẽm tại Ngân Sơn (Bắc Kạn). Ảnh: Nguyễn Trình-TTXVN |
Cùng với đó, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng chi sai mục đích, dùng tiền phí môi trường để phục vụ cho những việc khác và chưa chú trọng đến vấn đề môi trường.
Theo nhiều chuyên gia, một trong những "lỗ hổng" rất lớn hiện nay là việc thu thuế tài nguyên dựa vào sản lượng mà doanh nghiệp khai thác được, khai báo với cơ quan thuế, nên việc doanh nghiệp không khai báo chính xác, khai báo sản lượng thấp hơn so với thực tế là điều dễ xảy ra, gây thất thoát tài nguyên.
Cũng theo các chuyên gia, trở ngại lớn nhất trong giám sát phí bảo vệ môi trường là nhận thức về bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như cộng đồng còn kém, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khai khoáng lại chỉ tính đến cái lợi trước mắt, bất chấp hậu quả về môi trường.
Do đó, để sử dụng hiệu quả phí bảo vệ môi trường cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm minh.
Thu Trang