Tăng cường công tác điều trị, quản lý người nhiễm SARS-CoV-2

Sáng 4/8, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức lễ ra quân tiếp nhận Bệnh viện Dã chiến số 1, địa điểm tại Trường Chính trị Cần Thơ.

Chú thích ảnh
 Bệnh viện dã chiến số 1 tại Trường Chính trị Cần Thơ. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Bệnh viện Dã chiến số 1 trực thuộc Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. Ông Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ kiêm giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1.

Bác sĩ Phạm Văn Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết, Bệnh viện Dã chiến số 1 đang hoàn tất khâu dọn dẹp, sắp xếp các trang thiết bị, giường, phòng, khử khuẩn để chiều 4/8 sẽ tiếp nhận bệnh nhân.

Theo bác sĩ Phương, Bệnh viện Dã chiến số 1 được UBND thành phố thành lập với quy mô 400 giường. Bệnh viện chỉ nhận bệnh nhân ở tầng 1 (bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng, không bệnh nền) để giảm áp lực cho các bệnh viện khác.

Nhân sự được điều động làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 1 gồm 150 y, bác sĩ, sinh viên từ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Bạn Phan Minh Thi (Trường Đại học Y Dược Cần Thơ) tham gia làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 1 cho biết, em làm ở khâu chăm sóc, điều trị thuộc Khoa Lâm sàng. Trước khi tham gia Bệnh viện Dã chiến số 1, em đã được nhà trường tổ chức tập huấn và nhiều lần tham gia tổ hỗ trợ tiêm vaccine. Học Y đa khoa nên tình nguyện tham gia điều trị cho người mắc COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 và em cũng thích công việc này.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố Cần Thơ đã thành lập 9 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 2.400 giường để điều trị bệnh nhân COVID-19.

Chú thích ảnh
Bệnh viện dã chiến số 1 đã sẵn sàng đón bệnh nhân COVID-19 vào điều trị. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Đến chiều 3/8, Cần Thơ ghi nhận 1.748 ca mắc COVID-19, trong đó có 174 trường hợp đã được điều trị khỏi.

* Ngày 4/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn ký ban hành quyết định  chuyển Trung tâm Y tế huyện Càng Long thành Bệnh viện Dã chiến số 5, Bệnh viện Y Dược cổ truyền thành Bệnh viện Dã chiến số 6. Các bệnh viện dã chiến này thực hiện thu dung, sàng lọc, cách ly, điều trị, cấp cứu các trường hợp mắc bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Càng Long, Bệnh viện Y Dược cổ truyền xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức, triển khai hoạt động bệnh viện dã chiến trên cơ sở sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực hiện có của 2 đơn vị này, đồng thời bổ sung để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh COVID-19.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh Kiên Sóc Kha cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đang ở cấp độ IV. Đáng lo ngại, tại tỉnh xuất hiện nhiều ca bệnh ở một số công ty và khu công nghiệp với nhiều công nhân sống tại các địa phương bị mắc COVID-19. Trước đó, tỉnh Trà Vinh đã thành lập 4 bệnh viện dã chiến có khả năng thu dung 450 bệnh nhân COVID-19. Bệnh viên Dã chiến số 5 và Bệnh viện Dã chiến số 6 vừa thành lập này có thể điều trị khoảng 200 bệnh nhân COVID-19.

Tính đến sáng 4/8, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 435 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó có 42 ca nhập cảnh, số còn lại phát hiện trong cộng đồng. Tỉnh đã điều trị 55 ca mắc COVID-19 khỏi bệnh, có 4 ca tử vong.

* Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn triển khai quản lý sức khỏe tại nhà đối với người nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, sức khỏe người nhiễm được theo dõi, cập nhật qua phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” và “Khai báo y tế điện tử”.

Chú thích ảnh
 Tuyến đường Lê Quý Đôn, Quận 3 thưa vắng người qua lại ngày 2/8/2021. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Cụ thể, để quản lý danh sách người nhiễm đủ điều kiện cách ly tại nhà, Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị truy xuất, quản lý danh sách người nhiễm đang cách ly tại nhà trên địa bàn quận, huyện, phường, xã bằng chức năng “người cách ly” trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” (gọi tắt là Hệ thống) của Sở. Người nhiễm được phát hiện từ nhiều nguồn, nơi nào phát hiện nơi đó lập danh sách và chuyển thông tin trên phần mềm về trạm y tế nơi người nhiễm dự kiến cách ly tại nhà để quản lý, theo dõi.

Nơi phát hiện có trách nhiệm hướng dẫn người nhiễm tuân thủ các quy định khi cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện); hướng dẫn họ liên hệ với y tế địa phương khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng bất thường, nhập thông tin vào phần mềm Hệ thống.

Về quản lý điều kiện cách ly tại nhà, Sở Y tế yêu cầu, hằng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường xã, thị trấn chỉ đạo trạm y tế tra cứu trên phần mềm Hệ thống để cập nhật danh sách người nhiễm đang quản lý.

Căn cứ danh sách đó, trạm y tế phối hợp Tổ COVID-19 cộng đồng triển khai đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà; cung cấp tờ rơi để hướng dẫn người nhiễm cách ly tại nhà; hướng dẫn họ khai báo tình trạng sức khỏe mỗi ngày qua ứng dụng “Y tế HCM”; hướng dẫn họ nhận biết các triệu chứng cần liên hệ nhân viên y tế; cung cấp các thuốc nâng cao thể trạng, thuốc y học cổ truyền cho người nhiễm (nếu có).

Để quản lý sức khỏe người nhiễm đang cách ly tại nhà, trạm y tế theo dõi tình hình sức khỏe hàng ngày của họ qua tài khoản quản trị của phần mềm “Khai báo y tế điện tử” đã được cấp cho các trạm để can thiệp điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, thành lập Tổ phản ứng nhanh tại mỗi xã, phường, thị trấn với thành viên là bác sĩ, điều dưỡng, Công an, Đoàn thanh niên..., trong đó nhân viên trạm y tế chịu trách nhiệm chính trong công tác sơ cấp cứu cho người dân trên địa bàn.

Khi nhận cuộc gọi của người dân, Tổ phản ứng nhanh đánh giá ngay mức nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo (khó thở, tím tái, lơ mơ...) để quyết định đưa xe vận chuyển đến tận nhà người dân. Sau khi xử trí can thiệp điều trị xong, trạm y tế phải cập nhật hành động xử trí và kết quả vào Hệ thống nhằm quản lý đầy đủ thông tin sức khỏe của người nhiễm, thuận tiện cho việc theo dõi, báo cáo.

Trước khi kết thúc thời gian cách ly, trạm y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 14 (test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn). Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì cập nhật kết quả, xác định kết thúc thời gian cách ly trên phần mềm Hệ thống và “Khai báo y tế điện tử”.

Trước đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người nhiễm SARS-CoV-2.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương (TTXVN)
Ban hành các tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2
Ban hành các tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2

Ngày 31/7, Bộ Y tế có Quyết định số 3646/QĐ-BYT về việc ban hành tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 trong đó có 4 tiêu chí gồm nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN