Tấm lòng của ông chủ quán cà phê đặc biệt

Dòng chữ: “Nhân viên tại Tâm cafê là các thanh niên khiếm thính, xin quý khách vui lòng ghi yêu cầu vào giấy. Nếu có vấn đề, xin hãy gọi quản lý. Chân thành cảm ơn” được ghi trên một dải giấy dán trên tất cả các mặt bàn là ấn tượng đặc biệt đầu tiên khi mọi người vào quán cà phê Tâm ở thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).

Tâm (bên trái) đang nói chuyện với các nhân viên ở quán qua ngôn ngữ cử chỉ. Ảnh: Văn Nguyễn


Và điều đặc biệt nữa là ngôn ngữ ký hiệu và chữ viết là 2 thứ ngôn ngữ được dùng để giao tiếp, trao đổi giữa khách và nhân viên tại quán. Không ồn ào náo nhiệt như những quán cà phê khác, cà phê Tâm nằm khiêm tốn ở 81 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, nhưng tất cả các khách uống cà phê tại đây đều có những ấn tượng không thể quên trước sự nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ và sự tận tình phục vụ của những nhân viên khiếm thính tại đây khi đưa giấy, bút ra cho thực khách yêu cầu đồ uống.

Chủ quán Nguyễn Xuân Tâm, chàng thanh niên 28 tuổi, tâm sự, ý tưởng làm quán ra đời từ một lần Tâm đến trung tâm trẻ mồ côi - khuyết tật Nước ngọt ở Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế), để thực hiện chương trình hỗ trợ nước sạch cho trung tâm vào năm 2008. Trong những ngày ở đây, Tâm được các xơ tại Trung tâm nhờ vả khuyên nhủ giúp một bé gái khiếm thính cứ nằng nặc đòi bỏ học để đi làm giúp gia đình. Tâm đã hứa với em là nên tiếp tục học, học xong Tâm sẽ lo việc làm cho.

Trở về sau lần ấy, lời hứa với bé gái đó cứ canh cánh trong Tâm, mà quan trọng hơn là tìm việc làm gì để phù hợp với khả năng của em? Năm 2009, sau khi đã nghĩ đủ cách, tham khảo các tài liệu, tư vấn của nhiều người có kinh nghiệm, Tâm đã quyết định mở quán cà phê để thực hiện lời hứa của mình.

Tâm sự với gia đình, Tâm nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của ba, mẹ và anh chị em trong gia đình. “Vạn sự khởi đầu nan”, những ngày đầu mở quán, để có vốn, Tâm đã phải xin ba, mẹ và mọi người trong gia đình cho thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ở ngân hàng, vay 25 triệu đồng, cùng với 25 triệu đồng tiền dành dụm được của cá nhân, Tâm làm vốn mở quán.

Nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất của Tâm. Gian nan nhất trong những ngày đầu mở quán là khi Tâm đến nhà của các em khuyết tật để xin gia đình cho các em đến làm việc tại quán. Tâm đã nhận được lời từ chối thẳng thừng, với sự nghi ngờ hiện trong ánh mắt của người thân các em vì sợ Tâm lừa. Tâm đã phải nhờ đến các giáo viên của Trường trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Trị đến thuyết phục mới được 2/5 gia đình của các em mà Tâm đến liên hệ đồng ý.

Thời gian đầu hoạt động, quán có tất cả 4 trẻ khiếm thính đến làm việc (2 ở Trung tâm trẻ mồ côi - khuyết tật Nước ngọt tại Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế mà Tâm hứa sẽ lo việc làm cho khi em học xong và 2 em ở thành phố Đông Hà) với mức lương 1 triệu đồng/người/tháng, ăn tại quán. Và để giao tiếp được với các em, một lần nữa Tâm lại phải nhờ đến các giáo viên của Trường trẻ khuyết tật tỉnh đến tư vấn cách giao tiếp với các em để quản lý quán. Tuy xa lạ với nhau, nhưng khi làm việc trong quán, các em và mọi người trong gia đình Tâm đều coi nhau như người thân. Nhưng rồi sau đó, 2 em ở Trung tâm trẻ mồ côi - khuyết tật Nước ngọt xin nghỉ để chuyển vào làm ở quán Bread of lief ở Đà nẵng có mức lương cao hơn.

Hiện nay, quán có 2 nhân viên khiếm thính làm việc thường xuyên là các em Võ Thị Huyền Trang và Nguyễn Quyết Thắng (cùng 25 tuổi) và hợp đồng thời vụ với một nhân viên khiếm thính khác. Tâm cho biết, một người Mỹ đã hứa sẽ hỗ trợ 50% lương cho 1 nhân viên khiếm thính, nên quán sẽ giải quyết được việc làm thường xuyên thêm cho một lao động khuyết tật nữa trong thời gian tới.

Tâm tâm sự, nếu có vốn, Tâm sẽ mở rộng quán hơn nữa để giúp được thêm nhiều người khuyết tật nữa có việc làm, tạo cơ hội cho họ tự khẳng định mình trong xã hội. Và cũng thông qua quán, Tâm muốn mọi người hãy tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, thông qua những việc làm vừa sức đối với họ.

Trịnh Bang Nhiệm
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN