Sử dụng hài hòa lợi ích nước sông Mê Kông

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn hán, xâm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là do ảnh hưởng của các công trình trên dòng chính ở phía thượng nguồn sông Mê Kông. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi cùng TS Lê Đức Trung (ảnh), Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam về vấn đề này.

Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu thì còn do lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về trong mùa lũ năm 2016 ít nên không đủ để rửa mặn như mọi năm, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng tại ĐBSCL như hiện nay. Ý kiến của ông như thế nào?

Chúng tôi có chuỗi số liệu về khí tượng thủy văn và dòng chảy tại ĐBSCL trong 30 năm gần đây. Theo đó, nhiều điểm có những thông số về hạn đã vượt mức thấp nhất 30 năm qua. Hạn ở ĐBSCL thì phụ thuộc một là nguồn nước bên ngoài (chiếm trên 90%), hai là tình hình mưa và sử dụng nước ở đồng bằng và những tác động từ ngoài biển.

Toàn lưu vực ĐBSCL mùa mưa năm nay rất thấp, thậm chí ở mức lịch sử, trong tháng 2 hầu như không có mưa nên ảnh hưởng đến dòng chảy sông Mê Kông trên dòng chính và đoạn chảy vào Việt Nam. Khi lượng mưa ít, trong khi nhu cầu sử dụng nước của các quốc gia trong lưu vực tăng lên nên nguồn nước vào Việt Nam ít đi làm hạn hán càng nghiêm trọng. Thống kê của chúng tôi ở hai trạm Tân Châu, Châu Đốc chảy vào Việt Nam qua sông Tiền và sông Hậu cũng ở mức lịch sử. Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 là đỉnh điểm của mùa khô, tình hình sẽ còn nguy cấp hơn nữa.

Cùng đó, vấn đề điều tiết trong các công trình trong lưu vực sông Mê Kông cũng là tác nhân. Hiện trên dòng chính sông Mê Kông có các công trình của Trung Quốc, còn các công trình trên sông nhánh do bị hạn, thiếu nước cũng không xả nước xuống dòng chảy sông Mê Kông. Thái Lan cũng có một số công trình chuyển nước trong khu vực, các quốc gia gia tăng sử dụng nước, làm hạn ở hạ lưu sông Mê Kông trầm trọng hơn.

Còn trong nội bộ ĐBSCL, lượng mưa thấp, trong 2 - 3 tháng vừa rồi triều cường cao, góp phần đẩy mặn sâu vào ĐBSCL.

Hiện nay, Ủy ban sông Mê Kông đã có những nghiên cứu đánh giá tác động của các hồ chứa thượng nguồn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội hay chưa, thưa ông? Kết quả ra sao?

Ba năm qua, Chính phủ đã giao cho Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tiến hành nghiên cứu tác động các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông tới vùng ĐBSCL và cả châu thổ sông Mê Kông của Việt Nam - Campuchia. Nghiên cứu mới hoàn thành vào tháng 12/2015 và đã báo cáo Chính phủ.

Kết quả nghiên cứu chính là tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực sông Mê Kông và cả một số công trình tại Vân Nam (Trung Quốc) đã gây những tác động đến ĐBSCL. Về mặt dòng chảy, các công trình này gây tác động ngắn hạn và khá nghiêm trọng, làm suy giảm dòng chảy trong mùa khô, dẫn đến xâm mặn tăng. Ngoài ra, còn tác động lớn đến nguồn thủy sản và lượng phù sa. Thống kê mới nhất, sản lượng thủy sản sẽ mất 50%, và lượng phù sa mất 70% ở ĐBSCL. Những tác động này gây hệ lụy lớn đến môi trường sinh thái, đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với các công trình thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông, hiện Lào đang xây dựng hai thủy điện lớn là Don SaHong và Xayaburi. Trong đó, công trình Xayaburi đã xây dựng 2 năm mới đạt 50% khối lượng, do đó chưa chặn dòng chính của sông Mê Kông. Còn thủy điện Don SaHong mới khởi công đầu năm nay nên chưa đánh giá được tác động đến việc điều tiết dòng chảy. Nhưng 4 - 5 năm nữa khi công trình này đi vào hoạt động sẽ tác động lên dòng chảy, nhất là trong mùa khô có thể có những tác động lớn đến ĐBSCL. Vấn đề này cần nghiên cứu theo dõi và giám sát thêm.

Trước thực tế hiện nay, khi diễn biến biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì để cân bằng lợi ích giữa các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông, thưa ông?

Các quốc gia có quyền theo đuổi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phục vụ cho quốc gia mình nhưng trong khi sử dụng dòng sông chung vẫn phải tuân thủ điều luật, thông lệ quốc tế; đặc biệt, là Công ước về Luật Sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 21/5/1997 và có hiệu lực năm 2014. Ngoài ra, còn có quy định quốc tế và vùng khác cho lưu vực sông Mê Kông như Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông năm 1995. Đây là những nguyên tắc không ai chối cãi được và các quốc gia cần tuân thủ . Đây cũng là cơ sở để Việt Nam và các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông sử dụng nguồn nước chung một cách bền vững.

Bên cạnh đó, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam sẽ tham mưu giúp cho Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề hợp tác quốc tế. Đối với Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, chúng ta đã có quy hoạch, chiến lược phát triển lưu vực và mạng giám sát. Chúng tôi đang trao đổi thông tin với Campuchia, Thái Lan về các nhu cầu và mức độ sử dụng nước trên sông Mê Kông. Tới đây, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế sẽ gửi thư đề nghị Trung Quốc xem xét những vấn đề về sông Mê Kông.

Trân trọng cảm ơn ông!


Thu Trang (thực hiện)
Thúc đẩy hợp tác giữa các nước lưu vực sông Mê Công
Thúc đẩy hợp tác giữa các nước lưu vực sông Mê Công

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công - Lan Thương lần thứ nhất tổ chức ngày 12/11 tại Cảnh Hồng, Vân Nam (Trung Quốc).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN