Liên tiếp các vụ việc xảy ra thời gian gần đây như lật cầu treo Chu Va 6 ở tỉnh Lai Châu hay máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích khiến dư luận xôn xao và những thông tin liên quan đã gây ảnh hưởng không tốt tới các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và ngành giao thông nói riêng.Trước những băn khoăn về căn cứ xử lý trách nhiệm trong vụ lật cầu treo Chu Va 6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng khẳng định, vụ lật cầu này là hết sức nghiệm trọng và ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ đã cử một Tổ công tác độc lập lên Lai Châu để nghiên cứu thực tế, tìm hiểu rõ nguyên nhân. Căn cứ vào báo cáo của Tổ công tác, Bộ GTVT xác định vụ lật cầu này không phải do người dân đi đông trên cầu gây ra mà thực tế là do việc thi công không đảm bảo theo yêu cầu thiết kế.
Bộ trưởng Đinh La Thăng giải đáp nhiều vấn đề "nóng" trong chương trình "dân hỏi, Bộ trưởng trả lời". Ảnh:chinhphu.vn |
“Tiết diện chịu lực chỉ đảm bảo 50% tiết diện thiết kế, việc chế tạo ắc neo tăng đơ không đúng theo quy trình. Chính vì vậy dẫn tới đứt ắc neo và gây lật cầu. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu xem xét, sớm khởi tố vụ án và truy cứu trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân liên quan”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cây cầu có giá trị không lớn nhưng mức độ sai phạm lại hết sức nghiêm trọng vì gây chết và bị thương nhiều người. Điều quan trọng hơn là nó ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì vậy, Bộ đã chỉ đạo khẩn trương xác định nguyên nhân, cũng như đề nghị khởi tố để chứng minh không phải lỗi do người dân mà là do quá trình triển khai thi công cầu.
“Chúng tôi xác định những việc làm khẩn trương khắc phục hậu quả và xác định rõ nguyên nhân, đề nghị khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan chính là lời xin lỗi thiết thực nhất đối với người dân” Bộ trưởng chia sẻ.
Liên quan tới vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn hành không, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, ngay sau khi vụ máy bay Malyasia mất tích, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã có chỉ thị yêu cầu các đơn vị ngành hàng không nâng cấp độ bảo đảm an ninh hàng không lên cấp độ 1. Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao kịp thời có thông tin về các nhóm khủng bố, các phương thức, thủ đoạn hoạt động khủng bố cũng như việc sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả để đi máy bay. Đồng thời, Bộ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trước mắt sớm trình Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để tăng cường đảm bảo an ninh hàng không; trong đó có việc nâng cao hơn yêu cầu về đảm bảo an ninh hàng không, tăng cường trang thiết bị, hiện đại hóa, nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn đối với những người trực tiếp làm công tác đảm bảo an toàn hàng không.
“Chúng tôi xác định bảo đảm an ninh, an toàn hàng không là ưu tiên số 1 trong hoạt động hàng không dân dụng. Việc áp dụng tăng cường an ninh hàng không cấp độ 1 chắc chắn sẽ gây phiền hà tới người dân nhưng cũng mong người dân chia sẻ bởi nó đảm bảo an toàn cho chính hành khách tham gia hàng không”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về những thắc mắc cũng như đòi hỏi các giải pháp cụ thể giải quyết tình trạng chậm tiến độ một số công trình giao thông trọng điểm như dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trên cơ sở đánh giá kinh nghiệm tổ chức triển khai các dự án mấy năm qua cho thấy, việc chậm tiến độ có nguyên nhân số 1 là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thứ hai là năng lực các chủ thể tham gia quá trình tổ chức triển khai dự án như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công. Vì vậy, Bộ GTVT sẽ phải tập trung xử lý các vấn đề này.
Theo Bộ trưởng, trước hết cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương tuyên truyền vận động, giải quyết sớm việc đền bù GPMB tạo điều kiện cho người dân đến nơi ở mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ để người dân thông cảm và chia sẻ. Tiếp đến, Bộ sẽ siết chặt quản lý các Ban Quản lý dự án, quy định một số điều Ban Quản lý không được làm, nâng cao chất lượng tư vấn thiết kế, giám sát. Đối với nhà thầu thi công thì tổ chức phân loại, nhà thầu loại nào được thi công công trình trọng điểm, loại nào thi công quốc lộ, tỉnh lộ và cấp thấp hơn. Từ đó, tăng cường kiểm tra giám sát công khai minh bạch cũng như lo giải ngân kịp thời cho các dự án, nhất là tăng cường việc giám sát của các đồng chí lãnh đạo Bộ trực tiếp tới công trường, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho ban quản lý, các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, hiện nay các dự án giao thông trọng điểm đã cơ bản khắc phục được tình trạng chậm tiến độ trước đây, ví dụ như Nội Bài – Lào Cai năm nay sẽ đảm bảo thông toàn tuyến và tất cả các dự án trọng điểm chỉ có đảm bảo đúng tiến độ, vượt tiến độ chứ không còn tình trạng chậm tiến độ như trước đây.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận, vấn đề GPMB là rất khó khăn, như Quốc lộ 1 đoạn thành phố Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, là tuyến huyết mạch nên vừa tổ chức thi công vừa phải đảm bảo giao thông thông suốt, trong khi đó người dân sống dọc hai bên quốc lộ từ lâu nên việc giải quyết vấn đề nguồn gốc đất đai, giấy tờ cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hàng quý trực tiếp chủ trì giao ban với các địa phương giải quyết những khó khăn vướng mắc về đất đai, di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là tiền cũng được Bộ Tài chính chuẩn bị đủ nên trong tháng 3 cơ bản sẽ giải phóng mặt bằng xong. Còn lại một số địa phương sẽ hoàn thành trong tháng 4, 5, chậm nhất là đến ngày 30/6/2014, toàn bộ mặt bằng Quốc lộ 1 đoạn thành phố Hồ Chí Minh – Tây Nguyên sẽ được bàn giao đầy đủ cho các đơn vị thi công đảm bảo mục tiêu hoàn thành cơ bản việc nâng cấp, mở rộng vào cuối năm 2015, đầu năm 2016.