Sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tích hợp

Sáng 16/11, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo khoa học: “Chính phủ điện tử và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với ngành Quản lý đất đai” nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin phục vụ việc triển khai các nhiệm vụ của Tổng cục Quản lý đất đai.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Mai Văn Phấn nhấn mạnh tầm quan trọng của Chính phủ điện tử và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với ngành quản lý đất đai; cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai xây dựng Chiến lược phát triển ngành Quản lý đất đai giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án “Hoàn thiện hạ tầng thông tin đất đai ở trung ương và địa phương dựa trên sự tham gia của bộ, ngành liên quan” nhằm đáp ứng Chương trình xây dựng Chính phủ điện tử và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai.

Tại hội thảo, các đại biểu làm rõ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc xây dựng chính phủ điện tử; kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường... 

Theo Phó Trưởng ban Hành chính điện tử, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh, hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

“Để phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đáp ứng mục tiêu xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực quản lý đất đai nên quan tâm về thể chế, chính sách, công nghệ, đáng chú ý là ứng dụng công nghệ Blockchain (chuỗi khối) trong giao dịch giữa các hệ thống; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong thu thập, phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định trong lĩnh vực đất đai; nghiên cứu mở dữ liệu cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Nói về cơ hội và thách thức cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung và lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng, ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ gia tăng cơ hội cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, hiệu lực công tác; thúc đẩy chuyển đổi công nghệ số, đổi mới sáng tạo; thuận lợi đối với công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát triển đất nước. Tuy nhiên, rủi ro, thách thức cũng không ít, việc tiếp cận, chủ động tham gia của các đơn vị chưa đồng đều, nguồn lực triển khai không đủ; nguy cơ mất an toàn thông tin số trên môi trường kết nối; rủi ro công nghệ, tụt hậu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0... Ông Nguyễn Bảo Trung cho rằng, trong thời gian tới cần có giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên và môi trường nói chung, quản lý đất đai nói riêng.

Diệu Thúy (TTXVN)
Quản lý đất đai sau cổ phần hóa thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh
Quản lý đất đai sau cổ phần hóa thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh

Các vấn đề về quản lý đất đai, định giá quyền sử dụng đất trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; giải pháp quản lý hóa đơn tránh gây thất thu ngân sách… đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 31/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN