Sôi động thị trường phục vụ lễ cúng ông Công ông Táo

Tại nhiều địa phương trên cả nước hòa chung không khí đón Tết Nguyên đán, mấy ngày nay thị trường hàng hóa phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo rất sôi động với các mặt hàng phong phú và nhiều mức giá cả khác nhau.

Mặt hàng cá chép làm từ giấy được mua nhiều trên phố Hàng Mã. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

 Một số dịch vụ mới ra đời đã giúp cho người tiêu dùng thuận tiện và có thêm sự lựa chọn cho lễ cúng truyền thống ngày 23 tháng Chạp...

Tại Thanh Hóa, cứ đến cận ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân làng Tân Cổ (xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương) - nơi được mệnh danh là làng cá cúng ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) lại rộn ràng, tấp nập người mua kẻ bán. Nghề nuôi cá chép cúng ông Công ông Táo đã mang lại thu nhập cho người dân nơi đây.

Sáng 22 tháng Chạp, con đường vào làng Tân Cổ mọi khi vắng vẻ, nay trở nên nhộn nhịp lạ thường. Từng đoàn xe tải lớn nhỏ, xe máy, xe đạp nối đuôi nhau vào các nhà chủ cá để lấy hàng đưa đi các nơi tiêu thụ. Năm nay, giá cá bán sỉ tại ao dao động 80.000 đến 100.000 đồng/kg, bán lẻ 20.000-30.000 đồng/3con, trừ chi phí, các hộ nuôi nhỏ lẻ tầm 3-5 ao thu về từ 40 đến 60 triệu đồng.

Không ngừng trả lời điện thoại của những lái buôn phương xa, hoặc tiếp các thương lái đến tận ao thu mua cá, anh Lê Đức Thuận (làng Tân Cổ, xã Quảng Tân), 1 trong 8 hộ nuôi nhiều cá cúng ông Công ông Táo nhất xã cho biết, để chuẩn bị cho vụ cá cúng ngày ông Công ông Táo, gia đình anh đã phải xuống giống cách đây 4-5 tháng.

Diện tích ao nuôi của gia đình khoảng 5.000 m2, trong đó dành hơn 3.000 m2 nuôi cá cúng ông Công ông Táo. Thời tiết năm nay ấm áp, ít mưa nên cá năm nay đẹp hơn mọi năm, cả đàn lớn đều như nhau. Vụ này gia đình anh thu hoạch khoảng 1,5 tấn cá chép, sau khi trừ chi phí, vụ cá này cũng thu lãi khoảng 130 triệu đồng.

Từ chiều 21 hoặc sáng sớm 22 tháng Chạp, các hộ nuôi cá làng Tân Cổ bắt đầu kéo lưới đánh cá khỏi ao. Cá sau khi đánh khỏi ao được cho vào các bể tạm, cá có đủ các kích cỡ, từ 40 con/kg đến 100 con/kg bày bán cho khách thoải mái chọn lựa. Khi có khách mua, cá lại được đóng vào các bao nylon, bơm đầy ô-xy.

Với những thương lái mua nhiều, từ ngày 15 tháng Chạp, thương lái đã bắt đầu về làng Tân Cổ đặt hàng cá chép. Đến cận ngày thương lái đánh xe ô tô đến, trên xe có đầy đủ thiết bị như ống sục ô-xy, bình ô-xy, thùng đựng... đảm bảo cá sống khỏe mạnh, có thể đi các tỉnh xa như Nghệ An, Hà Tĩnh, thậm chí Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... Mỗi năm thôn Tân Cổ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng gần 20 tấn cá chép để cúng Táo quân.

Ông Lê Bá Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tân cho biết, phát huy lợi thế của xã có nghề truyền thống là nuôi cá giống nước ngọt, nhiều hộ nông dân ở thôn Tân Cổ, xã Quảng Tân đã đầu tư trang trại, mở rộng quy mô, ương nuôi các loại cá chép cúng ông Công, ông Táo để phục vụ nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Hiện cả làng Tân Cổ có khoảng 400 hộ nuôi cá chép ông Công, trong đó có 8 nhà nuôi quy mô lớn. Thời gian tới, xã Quảng Tân sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên mua bán cá giống để mở rộng thêm thị trường, tạo điều kiện về quỹ đất, góp phần giúp nông dân giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Tại tỉnh Nam Định, năm nay đã xuất hiện thêm dịch vụ sắp sẵn mâm lễ cúng cho những gia chủ bận rộn ít có thời gian mua sắm. Dịch vụ này thường khuyến khích khách hàng đặt trước ít nhất một ngày để mâm lễ được sát theo nhu cầu của mỗi gia đình.

Chị Nguyễn Thị Sang, tiểu thương tại chợ Phụ Long (thành phố Nam Định), người cung cấp dịch vụ cho biết, mỗi lễ cúng cơ bản ngoài vàng mã thường có đầy đủ cá chép sống, gạo, muối, cau trầu, hương và hoa tươi; ngoài ra tùy theo yêu cầu muốn cúng mâm cỗ chay hay mặn mà khách hàng sẽ được tư vấn.

Thường mâm cỗ chay gồm có hoa quả, xôi, chè kho, ấm trà sen…, mâm cỗ mặn có rượu, giò chả, thịt luộc, nem rán, bánh chưng, một món canh và một món xào... Giá cả của dịch vụ này dao động từ 300.000 đồng – 500.000 đồng đối với mâm lễ cúng chay và từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với mâm lễ cúng mặn. Bên cạnh đó, khách hàng nếu có nhu cầu mua lẻ từng món như xôi gấc, chè kho… để bổ sung cho mâm cúng của gia đình cũng dễ dàng tìm được điểm bán tại các chợ, với giá cả hợp lý từ 25.000 - 40.000 đồng/suất.

Chị Lê Thu Hà (đường Trần Nhật Duật, thành phố Nam Định) - một người đặt dịch vụ cho hay, ngoài việc giao hàng tận nhà miễn phí, người bán còn giúp gia chủ bày biện, trang trí bàn lễ với hình thức đẹp, giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị, nấu nướng nên rất tiện lợi trong dịp cuối năm nhiều công việc.

Cá chép luôn là mặt hàng được quan tâm nhiều nhất trong mỗi dịp lễ ông Công, ông Táo. Làng Kim (xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) là một trong những địa phương có nghề nuôi cá cảnh nổi tiếng với khoảng 40 hộ làm nghề trên tổng số gần 300 hộ dân. Hàng năm vào dịp này, nơi đây đều cung cấp một lượng lớn cá chép vàng, chép đỏ cho nhiều tỉnh miền Bắc.

Tại các chợ trong thành phố Nam Định, giá bán lẻ cá chép vàng, chép đỏ cúng ông Công, ông Táo loại nhỏ có giá trung bình 15.000 đồng/con; cá kích cỡ lớn hơn dao động từ 20.000 – 100.000 đồng/con.

Vàng mã cũng là mặt hàng không thể thiếu trong lễ cúng ngày 23 tháng Chạp. Chủ một cơ sở sản xuất vàng mã trên đường Minh Khai (thành phố Nam Định) cho biết, sức mua so với các năm trước vẫn ổn định nhưng năm nay các gia đình có xu hướng mua vàng mã với giá bình dân và kiểu cách đơn giản. Một bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo bao gồm đầy đủ 3 bộ áo, mũ, giày và cá chép giấy có giá từ 50.000 – 70.000 đồng; loại kích thước nhỏ hơn và mẫu mã đơn giản giá chỉ 30.000 đồng/bộ.

Cũng như hai tỉnh trên, từ cả tuần nay, tại các cửa hàng bán buôn vàng mã trên nhiều chợ truyền thống và một số tuyến phố ở thành phố Hải Dương, không khí mua bán những mặt hàng đồ lễ ông Táo đã nhộn nhịp. Những bộ ông Công ông Táo vàng mã dao động từ 25.000 đồng/bộ- 60.000 đồng/bộ gồm áo, mũ, hài tương đương với giá cả thời điểm này năm ngoái.

Hai vợ chồng chị Châm bán buôn mặt hàng vàng mã lâu năm ở cạnh chợ Phú Yên cho biết, từ cuối tuần trước đã có người mua đồ lễ về cúng tiễn ông Táo. Hai ngày gần đây, lượng người mua đã càng ngày càng đông. Do vậy, để tiết kiệm thời gian cho khách, những bộ mã ông Táo các loại đã được chị Châm chuẩn bị sẵn trong từng túi riêng, đính kèm giá cả bên ngoài sẵn, thuận tiện cho khách mua. Cùng với bộ mũ, áo, hài ông Táo, nhiều gia đình còn mua thêm vàng mã là những gói nén vàng, nén bạc, tháp vàng mã…

Tết ông Táo năm nay đúng vào thứ 6, vẫn là ngày đi làm nên nhiều gia đình đã sắp xếp công việc để làm lễ tiễn Táo quân về chầu trời sớm hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà cúng tiễn ông Táo trước 23 tháng Chạp để phù hợp với lịch tổ chức tất niên ở cơ quan hoặc với gia đình người thân, bạn bè nên đã bắt đầu cúng sớm chứ không đợi đến đúng ngày mới làm.

Bên cạnh những món đồ lễ thông thường và bộ áo mũ cho Táo quân, thì dứt khoát phải có cá chép sống. Theo chị Thoa, một người dân phố Bắc Kinh (thành phố Hải Dương), năm ngoái gia đình chị không cúng và thả cá chép nhưng năm nay chị sẽ mua cho đầy đủ, tươm tất. Tại chợ Bắc Kinh, giá cá chép vàng hai ngày nay dao động từ 10.000 đồng/con- 30.000 đồng/con.

Theo các tiểu thương bán cá tại một số chợ khác trên địa bàn thành phố Hải Dương như chợ An Ninh, chợ Thanh Bình, chợ Phú Yên…, giá cá thay đổi từng ngày, theo thời tiết. Nếu trời ấm, lái buôn không dám nhập cá nhiều về cùng một lúc. Năm ngoái vào đúng ngày 23 tháng Chạp, giá cá tăng vọt vì “cháy hàng”. Có nơi, tăng tới 40.000 đồng/con nhỏ mà vẫn không có để bán.

Một số bà nội trợ lo xa đã cẩn thận đặt tiền trước ở những tiểu thương này để yên tâm tới ngày 23 tháng Chạp vẫn có cá đẹp để cúng. Đồng thời, một mâm cỗ cúng ông Táo muốn đầy đủ, tươm tất, không thể thiếu thịt gà.

Theo chị Ngọc, một tiểu thương chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương) cho biết, giá gà dao động từ 90.000-120.000 đồng/kg tuỳ loại, tương đương mức giá thời điểm này năm ngoái, tuy nhiên, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với ngày thường. Thịt lợn, thịt bò vẫn giữ giá như ngày thường. Bánh chưng vẫn 30.000-50.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên lượng hàng bán ra trong những ngày này tăng gấp đôi so với khoảng 1 tuần trước.

Khảo sát nhanh của phóng viên tại các chợ dân sinh cho thấy thị trường, giá thực phẩm các loại cũng có biến động nhẹ. Cam canh có giá từ 35.000- 50.000 đồng/kg, tăng 5-10.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái. Các loại trái cây khác cũng tăng giá hơn so với năm ngoái từ 2.000-3.000 đồng/kg. Nhiều loại hoa đang tăng giá từng ngày. Ngày 22 tháng Chạp, hoa lay ơn tăng 5.000-10.000 đồng/cành, hoa cúc tăng 3.000-4.000 đồng/cành.

Hoa Mai - Hiền Hạnh - Mạnh Minh (TTXVN)
Thả cá chép ông Công, ông Táo thế nào cho đúng và có ý nghĩa
Thả cá chép ông Công, ông Táo thế nào cho đúng và có ý nghĩa

Theo tập tục, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời. Cá Chép được sử dụng để cúng cho ông Táo, làm phương tiện cho ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN