UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ven biển…thực hiện nghiêm việc quản lý nghề bẫy bắt tôm hùm con do thời gian qua nghề bẫy bắt tôm hùm đã gây nguy hiểm đến tính mạng của du khách tắm biển. Tôm hùm con. Ảnh: Internet Cụ thể, tỉnh cấm nghề bẫy tôm hùm con hoạt động tại các bãi tắm trước các khu du lịch, các bãi tắm phục vụ cộng đồng, các khu neo đậu tàu thuyền, các vùng cửa sông, cửa biển và tại các luồng tuyến giao thông mà các loại tàu thuyền thường xuyên đi lại.
UBND tỉnh cũng cấm nghề bẫy tôm hùm con hoạt động trên toàn vùng biển Bình Thuận trong thời gian từ 1/3 đến ngày 30/9 hàng năm để bảo vệ tái tạo nguồn lợi tôm hùm trong mùa sinh sản. Trong thời gian cấm đánh bắt, ngư dân phải tháo dỡ toàn bộ ngư cụ dùng để bẫy tôm hùm con đã giăng mắc cố định trong thời gian được phép đánh bắt.
Dọc theo bờ biển từ Phan Thiết đến Hòn Rơm – Mũi Né, người dân dùng những phao xốp, chai nhựa nổi lềnh bềnh trên mặt nước để làm phao. Đó là những chiếc bẫy để bắt tôm hùm giống, cũng chính là “bẫy” vô cùng nguy hiểm đối với du khách khi tắm biển hoặc chơi lướt ván diều. Từ tháng 9 đến nay, tình trạng trên xuất hiện trên vùng biển này ngày càng nhiều, trải dài đến tận Hòn Rơm. Đã có không ít du khách bị tai nạn khi chơi thể thao trên biển vì vướng những cái “bẫy” này…
Việc phát triển mạnh hoạt động khai thác tôm hùm con bằng hình thức này một phần đã gây ảnh hưởng đến nguồn lợi tôm hùm trong tự nhiên, đồng thời, làm cản trở hoạt động của tàu thuyền cũng như các hoạt động tắm biển, vui chơi, giải trí tại các khu du lịch ven biển, gây tranh chấp ngư trường đánh bắt, làm ảnh hưởng an ninh trật tự vùng ven biển.
Nguyễn Thanh