“Người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm và còn hoang mang về chất lượng an toàn thực phẩm. Việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm là đòi hỏi bức xúc" - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn nông lâm thủy sản tổ chức sáng qua (2/8).
Nhiều vi phạm
Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, kết quả kiểm tra cho thấy, tất cả các mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ đều nhiễm vi sinh. Không riêng Đồng Nai, theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, kiểm tra giám sát các loại thực phẩm trong 7 tháng qua của ngành nông nghiệp cho thấy, hiện tượng vi phạm về quy định an toàn thực phẩm vẫn xảy ra ở nhiều mặt hàng. Kết quả giám sát chất độc hại trong thủy sản cho thấy, có 11 mẫu/1.528 mẫu (chiếm 0,7%) nhiễm hóa chất, số mẫu có hàm lượng kháng sinh vượt giới hạn cho phép giảm so với năm 2012, song vẫn đứng ở mức cao, với 1,5%.
Nho tươi là loại quả có nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Hiếu Trần |
Về chương trình giám sát vệ sinh an toàn nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, kết quả kiểm tra cho thấy có 2 mẫu sò điệp và sò lông tại Phan Thiết/ 470 mẫu nhuyễn thể nhiễm độc tố sinh học Lipophilic (chiếm 0,4%), tăng so với năm 2012.
Kết quả giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm cũng phát hiện 3/39 mẫu thịt gà nhiễm vi sinh vật gây bệnh (chiếm 7,7%); 2/40 mẫu nhiễm kháng sinh cấm và 4/40 mẫu nhiễm chất Furazolidon (chiếm 10%); 4/40 mẫu có dư lượng tetracycline vượt giới hạn cho phép (chiếm 10%).
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đánh giá nguy cơ đối với 26 loại rau, quả tươi sản xuất trong nước. Kết quả phân tích cho thấy: nhóm rau ăn lá có nguy cơ nhiễm các chất độc hại cao hơn rau ăn quả. Trong các loại quả đã được giám sát thì nho tươi là loại quả có nguy cơ cao, tiếp đến các loại quả như: Dưa lê, chuối và thấp nhất là xoài và cam. Có 4 hoạt chất (Cypermethrin, Fipronil, Chlorpyrifos, Permethrin) trên các mẫu rau và 4 hoạt chất (Fipronil, Chlorpyrifos, Cypermethrin, Carbendazim) trên các mẫu quả có tần xuất phát hiện cao. Đánh giá nguy cơ theo vùng địa lý cho thấy: Các vùng sản xuất, kinh doanh rau, quả của các tỉnh phía Bắc có nguy cơ dùng các chất độc hại cao hơn các tỉnh miền Trung và thấp nhất là khu vực các tỉnh phía Nam.
Trong khi đó, việc nhập lậu nhiều mặt hàng thủy sản, ngày càng nóng. Theo đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, tình trạng này đã diễn ra từ lâu, không chỉ riêng với mặt hàng cá tầm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, ở một vài địa phương, việc tăng cường kiểm tra và công bố thông tin về việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản chưa được triển khai tích cực.
Sẽ xử lý triệt để
Đại diện các địa phương đều cho rằng, việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm của ngành nông nghiệp hiện rất khó khăn. Nguyên nhân là do lực lượng quản lý chất lượng ở địa phương hiện còn yếu và thiếu trong khi có quá nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng này.
Sở NN&PTNT Hà Nội dẫn chứng: “Quận Hai Bà Trưng có 4.000 - 5.000 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản xuất, kinh doanh nông sản. Huyện ít thì cũng có đến 800 cơ sở. Tất cả các cơ sở này đều do cấp huyện và xã, phường quản lý. Nếu không để các huyện và xã, phường vào cuộc thì công tác kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm khó đạt được kết quả như mong muốn”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu, trước việc các mẫu thịt trên thị trường nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép, có thể phải xem lại quy trình giết mổ hiện nay, đặc biệt là việc vận chuyển từ cơ sở giết mổ ra cơ sở kinh doanh và điều kiện của cơ sở kinh doanh ở chợ.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, ngành nông nghiệp coi việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm số một. Trong thời gian tới, sẽ quyết liệt hơn, làm có trọng tâm trọng điểm.
“Đối với những cơ sở vi phạm nhiều lần, ngành sẽ đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư rút giấy phép, đình chỉ hoạt động và công bố cho người dân được biết”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Về thông tin gạo sử dụng thuốc chống mốc và tạo mùi mà báo chí vừa phản ánh tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Sở NN&PTN TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra, làm rõ và công bố thông tin đến người tiêu dùng. |
Mạnh Minh