Thông tin các loại bún, bánh canh, bánh phở… có chứa hóa chất độc hại Tinopal được phát hiện đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm. Nhiều người tiêu dùng đã chọn cách “quay lưng” với những loại thực phẩm trên.
Tạm ngừng “nhiễm độc” trước khi kiểm tra?
Thông tin về bún, bánh canh, bánh cuốn, phở… có chứa độc tố khởi nguồn từ việc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) công bố kết quả khảo sát nhanh từ 30 mẫu của 6 loại: bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt được mua ngẫu nhiên. Theo đó, có đến 24/30 mẫu (chiếm tỷ lệ 80%) khảo sát có sự hiện diện của chất làm trắng quang học (Tinopal). Đặc biệt, 100% các mẫu bánh ướt, bánh canh, bánh hỏi (bánh tươi) có sự hiện diện của chất này.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ mạnh tay xử lý các thực phẩm nhiễm độc trên địa bàn. |
Bà Lê Ngọc Đào, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết thành phố tiến hành nhiều cuộc thanh kiểm tra và đã có 17 trường hợp bị lập biên bản xử phạt 235 triệu đồng. Đặc biệt, sau khi có kết quả phát hiện một số mẫu bún, bánh tươi chứa chất độc hại gây ảnh hưởng cho sức khỏe người tiêu dùng, đoàn kiểm tra liên ngành thực phẩm của thành phố đã nhanh chóng lấy 33 mẫu bún và bánh tươi đem kiểm tra. Kết quả có 19 mẫu âm tính với chất Tinopal, số mẫu còn lại đang tiếp tục phân tích làm rõ.
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TP Hồ Chí Minh cho biết, Tinopal được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp sản xuất bột giấy, bột giặt. Thực chất Tinopal không phải là chất tẩy trắng, mà qua huỳnh quang nó làm tăng sáng quang học. Tất cả các loại chất huỳnh quang tăng sáng là dùng trong công nghiệp, tuyệt đối không dùng trong thực phẩm. Còn axít oxalic - được phát hiện giữ cho bún lâu bị ôi thiu, một khi vào cơ thể người sẽ “bắt” hết can xi của cơ thể, tạo kết tủa và ứ đọng lại ở thận gây sạn thận, đọng lại trong đầu gối, xương vì thế tuyệt đối không được dùng a xít oxalic trong thực phẩm. |
Tuy nhiên, trước đó còn có hàng loạt các loại thực phẩm khác cũng từng bị phát hiện chứa hóa chất công nghiệp, phụ gia độc hại như: nước tương chứa 3-MCPD, cháo dinh dưỡng cho trẻ sử dụng quá mức chất bảo quản Natribenzoat, hạt dưa chứa phẩm màu công nghiệp Rhodamine B… hay việc dùng hóa chất biến thịt “thối” thành thịt tươi ngon, biến thịt lợn thành thịt bò… Một thực tế là công tác phát hiện xử lý của các cơ quan chức năng lại gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, thiếu kinh phí trong kiểm nghiệm, lấy mẫu…
Bị tẩy chay
Trước thông tin bún và các loại bánh tươi bị nhiễm hóa chất độc hại, người tiêu dùng đã “tẩy chay” mặt hàng này. Chị Phạm Thị Mai, chủ cơ sở sản xuất bún Kiều Trang, cho biết: “Trước khi có thông tin bún nhiễm độc, mỗi ngày cơ sở tôi bán ra thị trường khoảng 3 tấn/ngày, bây giờ mỗi ngày chỉ bán ra khoảng 1,5 tấn, nhân công phải cho nghỉ việc một nửa. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của cơ sở”. Còn theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ như Tân Định (quận 1), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Nam Hòa (quận 9)… sức mua mặt hàng bún tươi, bánh canh, bánh phở… đã giảm 30-50% so với trước đây, thậm chí nhiều tiểu thương còn đóng cửa sạp.
Theo bà Lê Ngọc Đào, từ nay đến 10/8, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Y tế, các quận, huyện tiến hành kiểm tra 100% các điểm phân phối, cũng như các cơ sở sản xuất bún tươi trên địa bàn thành phố. Sau đó, sẽ kiểm tra ở tất cả các chợ truyền thống, đặc biệt các chợ có kinh doanh nhiều mặt hàng bún tươi, ngành thực phẩm. Sau khi kiểm nghiệm phân tích đánh giá, trình kết quả cho ban chỉ đạo liên ngành thực phẩm, sẽ công bố cho cho người tiêu dùng biết để lựa chọn thực phẩm “sạch”. Còn theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu kiểm tra định kỳ và đột xuất với các loại thực phẩm từ bột và ngũ cốc. Đồng thời, Sở sẽ tập huấn, hướng dẫn các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm tới các cơ sở sản xuất, nhà phân phối, các tiểu thương tại chợ; đề nghị tất cả cơ sở sản xuất bún, bánh tươi ký cam kết không sử dụng các phụ gia, chất độc hại trong thực phẩm.
Bài và ảnh: Đ.Phương - H.Tuyết