Tuy nhiên với lượng rác quá lớn, nguồn nhân lực mỏng và địa phương này đồng thời phải tiến hành giao khu vực biển cho ngư dân tái sản xuất, ổn định cuộc sống, nên đến nay vẫn còn lượng lớn rác trôi nổi cần thu dọn.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại khu vực bến Giang phường Tân An, thị xã Quảng Yên ngày 6/11, lượng rác đã được giải phóng rất nhiều so với thời điểm sau bão, các tàu thuyền của ngư dân đang dần ra khơi, đồng thời gây dựng lại bè tre để tiếp tục nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên tiến ra xa hơn ở khu vực biển thuộc xã Hoàng Tân, phường Tân An, Yên Giang lượng rác như bè tre, phao xốp vẫn còn rất nhiều. Sau 1 tháng ra quân cao điểm (từ 23/9), đến nay Thị xã Quảng Yên tiếp tục huy động lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ biển phối hợp với Hải đoàn Biên phòng 38 thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (đóng quân trên địa bàn thành phố Hải Phòng) triển khai thu gom.
Đặc thù trên biển phụ thuộc vào con nước thủy triều nên thu gom rác đối mặt với nhiều khó khăn. Các lực lượng chủ yếu tiến hành lai dắt các bè mảng trong buổi sáng, buổi chiều con nước xuống việc di chuyển các bè tre vào bờ không khả thi.
Trung tá Vũ Mạnh Hùng, Phó Tham mưu Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Quảng Yên chia sẻ, đến nay lượng lồng, bè, rác trôi nổi trên biển còn rất nhiều. Trong khi đó phương tiện của lực lượng các tàu, xuồng chuyên dụng để thực hiện thu góm rác nên ảnh không phải là hưởng đến hiệu quả hoạt động thu gom.
Đáng nói hiện nay, có một bộ phận người dân khi bè mảng lênh đênh trên biển thì không thu gom nhưng khi lực lượng lai dắt kéo vào bờ thì người dân lại tận thu, kéo ngược ra biển. Mặt khác, hiện nay trên tuyến sông, biển của thị xã có nhiều bè mảng mới hoặc đang sửa chữa nằm rải rác trên tuyến thu gom rác nên cũng ảnh hưởng đến quá trình di chuyển, lai dắt bè rác vào bờ.
Trung tá Hùng kiến nghị cấp có thẩm quyền huy động các phương tiện như tàu chuyên dụng, xà lan, cần cẩu, cùng đó là sự chung tay của nhân dân, những người có kinh nghiệm lao động trên biển và chính quyền xã để nhanh chóng xử lý rác trên biển.
Xã Hoàng Tân có số hộ nuôi trồng thủy sản nhiều nhất của thị xã Quảng Yên, cũng là địa phương có lượng bè, mảng, rác thải trên biển cần thu gom còn nhiều nhất. Theo thống kê xã có khoảng trên 1.600 bè, mảng bị nát vụn, trôi dạt vào. Mặc dù đã được tiến hành thu gom sau bão, tuy nhiên mới chỉ thu gom được khoảng dưới 30%.
Theo anh Hà Trọng Nghĩa, dân quân tự vệ biển xã Hoàng Tân, sau bão, lượng rác, bè tre trôi nổi, vụn vỡ rất nhiều, trong khi sức người có hạn, chỉ có dọn được phần nào và chủ yếu là ven và trên bờ, còn ở dưới biển đòi hỏi phải có phương tiện chuyên dụng. Anh Nghĩa mong muốn người dân có ý thức tham gia bảo vệ môi trường. Mỗi người dân đã được giao mặt nước nên thu gom rác trong khu vực được giao, các khu vực nuôi trồng lần cận, giảm tải áp lực cho các lực lượng.
Trên thực tế, bên cạnh một số hộ dân đã chung tay, sử dụng phương tiện cùng với chính quyền lai dắt các bè mảng rác vào bờ thì còn không ít hộ dân khi được giao khu vực biển, khi tái tổ chức sản đa phần họ chỉ tận thu những thứ còn sử dụng được và đẩy rác ra khu vực khác, phó mặc cho con nước và lực lượng chức năng, thay vì cùng chung tay thu gom.
Theo ghi nhận, các bè, mảng nuôi hàu, hà của Quảng Yên có trọng lượng lớn, cồng kềnh. Quá trình xử lý, các lực lượng phải sử dụng tàu, xuồng tiến hành lai, dắt về bờ tập kết, mất nhiều thời gian, công sức. Trong khi lực lượng mỏng, phương tiện thiếu, phụ thuộc con nước thủy triều nên khiến thời gian dọn rác trên biển của địa phương này kéo dài.
Để đẩy nhanh tiến độ thu gom rác thải nuôi trồng thủy sản trên biển, thị xã Quảng Yên đã đề xuất Hải đội Biên phòng 38 hỗ trợ nhân lực và phương tiện cùng tham gia.
Trung tá Đinh Văn Hợi, Phó Biên đội trưởng, Biên đội IV/24, Hải đoàn Biên phòng 38 cho biết, đơn vị đã nhanh chóng tính toán con nước và di chuyển tàu vào khu vực biển của thị xã Quảng Yên để phối hợp khắc phục hậu quả bão số 3. Với tinh thần quân đội của nhân dân, Biên đội anh quyết tâm khắc phục khó khăn, phối hợp với các lực lượng thu gom rác để đảm bảo an toàn luồng lạch, giao thông đường thủy và có mặt bằng để người dân nuôi trồng thủy sản.
Ngoài rác trôi nổi trên mặt sông, biển, vẫn còn nhiều rác bị bão số 3 đánh, cuốn vào các khu rừng ngập mặn của thị xã Quảng Yên, gây áp lực cho địa phương này trong quá trình thu gom.
Trước thực trạng rác ngâm lâu ngày trong nước gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng giao thông đường thủy, cản trở quá trình tái sản xuất của người dân. Thị xã chỉ đạo các địa phương ưu tiên thu gom phao xốp trước, tránh để người dân tái sử dụng, khó quản lý trong chuyển đổi phao xốp sang phao chuẩn hợp quy (HDPE). Các địa phương tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân thu gom tre, tận dụng để sửa chữa bè nuôi, làm chất đốt và các công việc khác.
Việc trục vớt, thu gom các bè mảng, phao xốp, rác thải trôi dạt trên sông, biển đòi hỏi nhân lực lớn, con người thông thạo nghề sông nước, phương tiện máy cẩu, máy xúc, tàu thuyền. Hiện nay các lực lượng đang dùng cẩu và xà lan ra tận khu vực biển để cẩu rác lên, đi đến đâu sẽ thu gom và di chuyển vào bờ đến đó.
Tuy nhiên để sớm hoàn thành việc xử lý rác thải nuôi trồng thủy sản, nên chăng tỉnh Quảng Ninh cần có phương án huy động thêm nhân lực (là những người có kinh nghiệm lao động trên biển), phương tiện để sớm giải phóng lượng rác khổng lồ tại khu vực biển của thị xã Quảng Yên, đặc biệt là khu vực xã Hoàng Tân, địa phận giáp ranh với Vịnh Hạ Long, nhằm ngăn chặn việc rác tái trôi dạt trở lại vịnh Di sản, đảm bảo môi trường, an toàn giao thông đường thủy, đảm bảo hoạt động du lịch tham quan Vịnh hiệu quả.