Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu UBND thị xã Duyên Hải và huyện Trà Cú phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó, khắc phục để giảm thiểu thiệt hại.
Theo đó, UBND hai địa phương cắm biển báo, cảnh báo các khu vực sạt lở, sụp, lún, thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết chủ động phòng tránh trong sinh hoạt, sản xuất, đề phòng rủi ro. Đồng thời bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, sụt lún; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi sự cố uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của người dân. UBND huyện Trà Cú tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND 2 địa phương theo dõi diễn biến sạt lở, sụt lún, sẵn sàng phương án ứng phó sự cố; thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến sạt lở, sụp, lún, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời. Ngành chức năng tổ chức khảo sát, triển khai các giải pháp công trình, phi công trình xử lý sự cố nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn sản xuất và dân sinh trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh Lê Quang Răng cho biết: Những tháng cuối năm 2024 trở lại đây, triều cường dâng cao kết hợp sóng lớn đã gây ra nhiều vụ sạt lở và sụt lún nghiêm trọng tại các khu vực ven sông Hậu và bờ biển ở tỉnh Trà Vinh, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai.
Đáng chú ý, vào các ngày 1 - 2/4/2025, đợt triều cường vượt mức báo động III, kết hợp với sóng lớn gây sạt lở nghiêm trọng đoạn bờ sông dài gần 292 m tại ấp Vàm, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú. Nhiều đoạn kè bảo vệ bị phá hủy; trong đó, khoảng 20 m bờ sông bị sạt lở ăn sâu vào bờ 6 m, cùng với khoảng 10 m khóa kè bị sụt lún, trượt tấm đan bê tông tấn kè và cuốn trôi cát trong thân kè.
Ngoài ra, tại khu vực Miếu Ba Cô (bờ Nam rạch Trà Cú), tuyến kè do người dân đầu tư cũng bị sụp lún trên 80 m, kèm theo 182 m bờ đất tự nhiên bị sạt lở, ăn sâu vào bờ khoảng 4 m, gây nguy cơ sụp đổ tuyến đường dân sinh bề rộng 1,5 m. Một số vị trí sạt lở đã ăn sát mép đường, tạo hàm ếch nguy hiểm, làm gián đoạn việc đi lại và đe dọa an toàn của người dân.
Tính đến thời điểm hiện tại, sạt lở và sụt lún tại huyện Trà Cú đã ảnh hưởng trực tiếp đến 64 hộ dân với 357 nhân khẩu; trong đó, có nguy cơ thiệt hại nhà cửa và hơn 22 ha đất sản xuất, bao gồm 9,7 ha mía, 6 ha trồng dừa (tương đương 1.200 cây) và 6,5 ha nuôi thủy sản. Một miếu thờ Bà Chúa Xứ cũng bị đe dọa ảnh hưởng do bờ sông bị ăn sâu.
Tại khu vực thị xã Duyên Hải, tuyến kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh - đưa vào sử dụng từ năm 2008, đã xuất hiện hiện tượng sụp lún với diện tích hơn 773 m², ảnh hưởng đến mái kè, hành lang và phần đá, cát bên dưới. Nếu không khắc phục kịp thời, nguy cơ sụp đổ toàn bộ tuyến kè và nước biển tràn vào khu dân cư rất cao.