Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang, ông Đào Huy Phiên cho biết, Sao la có khả năng vẫn còn tồn tại ở khu vực này, do môi trường sinh cảnh của loài Sao la vẫn còn được duy trì ở phạm vi hẹp tại Vườn quốc gia.
Ảnh minh họa. Nguồn: Khoahoc.com.vn |
Từ khi phát hiện cá thể Sao la lần đầu tiên trên thế giới tại Vườn quốc gia Vũ Quang vào năm 1992 đến nay, khu vực này chưa nhận được một tín hiệu nào cho thấy có sự xuất hiện lại của loài này, nhưng trên độ cao 800 mét vẫn còn nguồn thức ăn của Sao la là cây môn thục mọc ở các khe suối.
Cũng theo ông Phiên, Vườn quốc gia Vũ Quang có 60 km dọc đường biên giới Việt - Lào nên nhiều khả năng các loài thú di chuyển từ địa phận quốc gia này sang địa phận quốc gia khác khiến việc điều tra, kiểm soát và phát hiện các loài thú cũng gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, hiện nay nguồn kinh phí cho công tác điều tra thống kê các loài động vật hoang dã rất eo hẹp. Vì thế Vườn quốc gia Vũ Quang rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức quốc tế nhằm bảo tồn loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng này.
Vườn Quốc gia Vũ Quang là một trong những địa danh có đa dạng sinh học cao với 76% diện tích rừng tự nhiên với hai kiểu chính: rừng kín thường xanh á nhiệt đới chiếm 20% với hai loại thực vật ưu thế là pơmu và hoàng đàn; rừng kín thường xanh nhiệt đới với các loại thực vật bậc cao như: cẩm lai, lát hoa, lim, dổi, trầm hương... và nhiều cây dược liệu quý. Động vật ở đây rất phong phú, theo thống kê có tới 60 loài thú, 187 loài chim, 38 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư và 56 loài cá; trong đó có 26 loài thú, hơn 10 loài chim, 16 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn có 36 loài phụ thú đặc hữu của khu rừng Trường Sơn Bắc như: voọc vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh, vượn má vàng… Đặc biệt, đây là nơi lần đầu tiên trên thế giới đã phát hiện được hai loài thú lớn mới là Sao la, còn gọi là dê rừng dài (năm 1992) và Mang lớn (năm 1993).
Thu Phương