Đến thời điểm này, dự án 600 đang bước vào giai đoạn kết thúc, việc bố trí “đầu ra” cho các trí thức trẻ được tỉnh Bắc Giang quan tâm, chú trọng.
Anh Trần Sỹ Trung (đội viên dự án 600) trên cương vị mới – công chức phòng Nội vụ huyện Sơn Động, phấn khởi chia sẻ: Khi mới nhận quyết định về phòng Nội vụ huyện, mình rất vui vì những cố gắng của mình trong quá trình công tác trên cương vị Phó Chủ tịch xã đã được ghi nhận.
Tháng 6/2012, Trần Sỹ Trung (sinh năm 1982) ở Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang, xung phong lên huyện Sơn Động làm Phó Chủ tịch xã Quế Sơn. Trong quá trình làm Phó Chủ tịch xã, anh Trung đã xây dựng nhiều đề án, mô hình giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điển hình là đề án “Phát triển chăn nuôi thỏ quy mô hộ gia đình tại xã Quế Sơn” năm 2014. Ban đầu chỉ có 3 hộ gia đình tham gia, dần dần thấy được lợi ích, đến nay có 10 hộ gia đình tham gia chăn nuôi thỏ với tổng đàn trên 3.000 con, cho thu nhập từ 1,7 - 3 triệu đồng/hộ/tháng.
Vũ Đăng Minh – Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN. |
Tiếp theo, anh thực hiện đề án “Ứng dụng quy trình xử lý nước, rác thải sinh hoạt bằng vòng tròn chuối và giun đất”. Đề án này được Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang chọn là Mô hình khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2014 và được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xét tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2014.
Không dừng lại ở đó, anh Trung tiếp tục thực hiện đề tài “Nghiên cứu nhân giống và trồng thử nghiệm cây dược liệu bản địa trà hoa vàng Sơn Động dưới tán rừng sản xuất, vườn cây ăn quả tại huyện Sơn Động, Bắc Giang”. Đề tài này cũng được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang công nhận và cho triển khai thực hiện từ tháng 2/2015. Đến nay, đề tài đã sơ kết giai đoạn 1, được Hội đồng khoa học huyện Sơn Động đánh giá đạt hiệu quả khá và đang tiếp tục thực hiện tại các xã trong huyện.
Với những nỗ lực cố gắng trên cương vị Phó Chủ tịch xã Quế Sơn, trước khi kết thúc Dự án 600, anh Trung được UBND huyện Sơn Động bố trí làm công chức Phòng Nội vụ huyện Sơn Động từ ngày 1/7/2016. Nhận xét về anh Trung trên cương vị mới, Trưởng phòng Nội vụ huyện Sơn Động Nguyễn Thị Sơn cho biết: Do trưởng thành từ cơ sở nên trong quá trình nhận công việc mới, anh Trung luôn nỗ lực, chăm chỉ cố gắng học hỏi, nắm bắt công việc nhanh nhạy, hiệu quả, có những tham mưu, đề xuất được đánh giá cao.
Đội viên La Thị Hằng cũng nhận quyết định về công tác tại Ban Tuyên giáo huyện ủy Sơn Động từ ngày 1/3/2017. Năm 2012 theo dự án 600, Hằng về làm Phó Chủ tịch xã An Bá, huyện Sơn Động. Được phân công phụ trách mảng văn hóa xã hội, bằng đam mê, tâm huyết của mình, Hằng đã đề xuất nhiều ý tưởng mới và khơi dậy truyền thống hát Sình ca của người dân tộc Cao Lan vốn bị mai một. Căn cứ tình hình thực tế địa phương, Hằng đã hình thành đề án “Xây dựng nhà trưng bày truyền thống kết hợp thành lập câu lạc bộ”. Ngoài ra, chị còn tổ chức thực hiện mô hình “Kiểm tra và củng cố góc học tập của học sinh tiểu học và trung học trong xã”.
Anh Trần Sỹ Trung (trái) hướng dẫn người dân chăm sóc thỏ. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN |
Đánh giá về quá trình công tác của đội viên Dự án 600, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Nguyễn Quang Ngạn cho biết: Tất cả các đội viên đều hoàn thành nhiệm vụ trở lên. 19 đội viên trí thức trẻ tại huyện Sơn Động đã kịp thời nắm bắt, tiếp cận công việc được giao. Nhiều đội viên đã mạnh dạn xây dựng, triển khai và thực hiện những đề tài, dự án, mô hình kinh tế, xã hội, ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến vào triển khai thực hiện ở cơ sở, bước đầu mang lại hiệu quả tốt, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Nhiều mô hình được nhân ra diện rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Việc sắp xếp, bố trí công việc cho đội viên khi Dự án 600 kết thúc được huyện chú trọng, trong đó bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn để các đội viên phát huy được năng lực, sở trường của bản thân.
Từ cuối năm 2015 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện Sơn Động đã chỉ đạo thực hiện tốt Đề án tinh giản biên chế theo Nghị định 108, theo đó đã giảm được 23 cán bộ, công chức cấp xã, 7 công chức cấp huyện, tạo điều kiện để bố trí công tác cho đội viên Dự án 600. Đến nay, 16/19 đội viên đã được bố trí sang chức danh khác tại các cơ quan thuộc Huyện ủy, UBND huyện và các xã trong huyện Sơn Động. Trong đó, 5 đội viên đã hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp trên xem xét, tuyển dụng vào các chức danh công chức cấp huyện, 1 đội viên được bầu giữ chức danh Bí thư Đoàn xã, 10 đội viên đã hoàn thiện hồ sơ và được UBND tỉnh Bắc Giang đồng ý cho chuyển công tác vào ngạch công chức cấp xã và các cơ quan chuyên môn ngành dọc thuộc UBND tỉnh Bắc Giang quản lý.
Hiện còn 3 đội viên Dự án chưa được bố trí sắp xếp “đầu ra”. Lý giải điều này, Trưởng phòng Nội vụ huyện Sơn Động Nguyễn Thị Sơn chia sẻ: Các chức danh thiếu ở cấp xã là kế toán, tư pháp, địa chính, văn hóa. Tuy nhiên, 3 đội viên còn lại có bằng chuyên môn chưa phù hợp với chức danh công chức đang thiếu nên việc bố trí gặp khó khăn. Từ nay đến tháng 8, huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác tinh giản biên chế theo Nghị định 108 và rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để bố trí công việc phù hợp cho các đội viên.
“Huyện Sơn Động đề nghị cấp trên tạo điều kiện cho huyện bố trí một số chuyên ngành khác như quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng vào chức danh kế toán; công nghiệp nông thôn, nông lâm và chức danh địa chính... hoặc cho huyện bổ sung thêm 3 biên chế công chức cấp xã”. Chị Sơn chia sẻ thêm.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Sơn Động ngày 29/5, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác Thanh niên, Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Sơn Động nói riêng trong việc quy hoạch, bố trí “đầu ra” cho đội ngũ trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã. Thời gian tới, Vụ sẽ phối hợp với Đại sứ quán Isarel mời chuyên gia từ Isarel sang Việt Nam mở các khóa đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đội ngũ trí thức trẻ; đồng thời trong thời gian sớm nhất sẽ trao đổi với Đại sứ quán Israel hỗ trợ đội viên Dự án 600 trí thức trẻ huyện Sơn Động thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.