100% đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã hoàn thành nhiệm vụ

Thực hiện Quyết định số 170/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo, trong hai năm 2011 – 2012, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành và 20 tỉnh tổ chức triển khai Dự án. Đến nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn I.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án cho biết: Dự án đã tuyển chọn và bố trí làm Phó Chủ tịch UBND xã cho 580 đội viên; trong đó có những đội viên đã giữ chức vụ Phó Chủ tịch xã được hơn 1 năm, có đội viên mới giữ chức vụ được 6 tháng.

- PV: Sau đợt khảo sát tại các địa phương, ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện nhiệm vụ của các Phó Chủ tịch xã trẻ này?

- Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Đánh giá của các địa phương đối với 580 đội viên Dự án cho thấy, về cơ bản, với tinh thần nhiệt tình, hăng hái và trách nhiệm của tuổi trẻ các em đã nhanh chóng đi sâu nắm bắt, tìm hiểu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, ổn định chỗ làm việc, đời sống và bước đầu làm quen với việc đề xuất phương hướng, triển khai được nhiều đề án phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành nhiệm vụ được giao, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Qua phân loại, tất cả đội viên dự án đều được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ; trong đó gần 12% là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 60% hoàn thành tốt nhiệm vụ, số còn lại là hoàn thành nhiệm vụ . Đánh giá này đã bước đầu khẳng định vị trí, vai trò của các em về làm Phó Chủ tịch UBND xã trong thời gian qua.

- PV: Cái yếu nhất cần phải bổ sung của các Phó Chủ tịch xã là gì thưa ông?

- Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Có thể nói bên cạnh sự nhiệt tình, hăng hái, trách nhiệm và sự giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương, đội viên dự án có nhiều khó khăn hạn chế như điều kiện cơ sở vật chất làm việc, sinh hoạt khó khăn, nhiều em gặp khó khăn trong vấn đề ngôn ngữ giao tiếp ở các vùng dân tộc. Mặc dù có những em là người dân tộc ít người nhưng sang công tác ở vùng dân tộc ít người khác lại không biết tiếng. Tiếp đến là các em mới ra trường, nhiều em đã đi làm việc nhưng kinh nghiệm thực tế còn hạn chế, dù đã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong 3 tháng và đi thực tế song vẫn còn lúng túng trong quá trình vận dụng các kiến thức kỹ năng của mình vào thực tiễn.

Qua điều tra khảo sát, đồng thời xem xét tâm tư nguyện vọng của các đội viên, trong thời gian sơ kết Dự án, Bộ Nội vụ tổ chức bồi dưỡng thêm cho các đội viên dự án, tập trung vào 5 chuyên đề sát với yêu cầu của đội viên, giúp cho các em nắm bắt thực tiễn để cho quá trình thực thi công vụ làm Phó Chủ tịch xã được tốt hơn. Đó là các chuyên đề về phát triển kinh tế ở xã, phát triển văn hóa – xã hội ở xã, đội viên phụ trách ở mảng nào sẽ được tập huấn về chuyên đề đó và những chuyên đề chung về kỹ năng như: lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch đối với Phó Chủ tịch UBND xã; kỹ năng tổ chức và điều hành cuộc họp của UBND cấp xã; một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã.

- PV: Có một thực trạng, khi được tuyển dụng, nhiều em không được làm đúng lĩnh vực đã học mà thường được địa phương bố trí theo dõi lĩnh vực văn xã, ông có nhận xét gì về vấn đề này?

- Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Đúng là thực tế có nhiều em tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế nhưng lại được phân công làm Phó Chủ tịch phụ trách văn xã hoặc ngược lại, đào tạo ngành sư phạm nhưng lại được phân công làm mảng kinh tế và cũng có khó khăn ban đầu. Nhưng các em không phải để về trực tiếp làm kỹ thuật, khuyến nông, nông nghiệp hay làm việc mà với tư cách là Phó Chủ tịch UBND xã, làm cán bộ quản lý Nhà nước nên phải có kiến thức tổng hợp và với cương vị là lãnh đạo quản lý ở xã, nên có thể các em dù tốt nghiệp ở trường kỹ thuật hay văn hóa xã hội nhưng với phương pháp luận và phương pháp tư duy của người lãnh đạo và được tập huấn thì các em chắc chắn sẽ hoàn thành các công việc được phân công.

- PV: Trước đây Dự án có đặt vấn đề là khi tuyển các em vào và không đáp ứng được nhiệm vụ thì sẽ có cơ chế đào thải, nhưng hiện việc tuyển dụng còn khó khăn thì cơ chế này chưa thể đặt ra thưa ông?

- Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Để tuyển chọn được 580 đội viên dự án nhưng đã có 2.000 hồ sơ tham gia. Như vậy là đã có đào thải ngay từ khi tuyển chọn qua quá trình sơ tuyển hồ sơ, tổ chức phỏng vấn trực tiếp và tập huấn, đánh giá trong quá trình tập huấn là đã có đào thải. Điều đó khẳng định 580 đội viên được tuyển chọn và đưa về làm Phó Chủ tịch UBND các xã là những em có thể đảm bảo được yêu cầu về chất lượng.

- PV: Con số 28% đội viên hoàn thành nhiệm vụ có phải là gượng ép không, thưa ông?

- Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Tại sao lại là gượng ép. Con số này là do Đảng bộ, nhân dân địa phương đánh giá. Có thấy đội viên gian khổ thế nào mới thấy trân trọng họ. Trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn như thế, các đội viên dám mạnh dạn đưa cả gia đình đến và 580 người, không ai bỏ cuộc, đó là điều rất đáng trân trọng!

- Trân trọng cảm ơn ông!


Chu Thanh Vân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN