Sản xuất ra rau an toàn đã khó, tiêu thụ còn khó hơn nếu không có sự chung tay

Lần đầu tiên Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, Dự án Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc (JICA) và Cục trồng trọt Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức “Diễn đàn kinh doanh nông sản, Rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018” vào ngày 12/9, với mong muốn tạo sự kết nối từ sản xuất tới tiêu thụ.

Do đơn lẻ nên chưa thuyết phục được người tiêu dùng

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc HPA cho biết: Rau an toàn là vấn đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm, vì có tác động lớn đến sức khỏe của mọi người. Đặc biệt, trong thời gian qua, đã có nhiều cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực nông sản sạch, hướng tới sản phẩm có chất lượng, tuy nhiên sản xuất quy mô còn nhỏ, chưa được người tiêu dùng tin tưởng.

Chú thích ảnh
Các đại biểu kết nối 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi một loạt phương thức sản xuất, dịch vụ cung ứng cho khách hàng. Nhiều đơn vị sản xuất đã sử dụng thiết bị công nghệ để trồng rau sạch. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng cần sự minh bạch trong xuất xứ sản phẩm, trong việc chứng minh "chất lượng sạch" trong trồng trọt, thu hoạch, đóng gói... với các sản phẩm nông sản sạch, đặc biệt là với sản phẩm rau an toàn.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT: Thực trạng sản xuất và phân phối nông sản, rau an toàn tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn rất nhỏ lẻ về quy mô. Sản lượng và thu nhập trên diện tích đất canh tác chưa cao. Trong đó, nguồn giống sạch mỗi năm Việt Nam phải nhập 550 triệu USD. Chuỗi cung ứng cũng bị hạn chế bởi tính địa phương, vùng miền.

Chú thích ảnh
Việc phân phối rau an toàn tại Nhật Bản hiện nay là những kinh nghiệm mà Hà Nội nói riêng và Việt  Nam nói chung có thể học hỏi.
Chú thích ảnh
Các nhân tố chính trong hoạt động kinh doanh rau tại Nhật bản hiện nay.

Nhìn từ mô hình của Nhật Bản, bà Manyia Chiyo, đồng Trưởng nhóm tư vấn – Chuyên gia thị trường Jica (Nhật Bản), chia sẻ: Những năm 1960 – 1970 tình trạng của sản xuất nông sản, rau của Nhật Bản cũng giống Việt Nam hiện nay; chủ yếu sản xuất ra và phân phối qua chợ đầu mối, dẫn đến một số nông sản thiếu sản lượng cung ứng bị ép giá lên rất cao. Do đó, Nhật Bản đưa ra giải pháp ổn định giá bán rau và nguồn cung trên thị trường cả nước. Chính sách của Chính phủ là ưu tiên cho sản xuất, phân phối , tiếp thị rau;  đồng thời sản xuất theo công nghệ cao và rau chế biến. Đặc biệt đẩy mạnh khâu tiếp thị nhằm xây dựng thương hiệu cho nông sản, rau an toàn để người tiêu dùng biết đâu là sản phẩm đảo bảo cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Đến nay, 50% sản lượng sản xuất rau của Nhật Bản đã được bán theo chuỗi sản xuất, phân phối an toàn.

Các tổ chức xã hội cùng vào cuộc

Theo bà Nguyễn Mai Anh: Đây là lần đầu tiên HPA tổ chức diễn đàn với thành phần tham dự là hội viên Hội nông dân và  Hội Phụ nữ và 6 tỉnh, thành phố. Đây là hai tổ chức xã hội chủ yếu tham gia sản xuất và tiêu thụ rau. Về phía mình, Trung tâm sẽ đảm nhận vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng.

Để đưa nông sản đến gần với người tiêu dùng hơn, vừa qua HPA cũng đã giới thiệu trang website: nongsanantoanhanoi.gov.vn. Đây là nơi để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng tìm hiểu về sản phẩn nông sản, rau an toàn. Trong đó, các đơn vị, HTX sản xuất có thể quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu. Cũng tại đây, mọi người có thể tìm thấy danh sách đơn vị sản xuất nông sản, rau an toàn và nhà phân phối…

Đại diện của Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, cho rằng: Thông qua các tổ chức chính trị xã hội -là kênh tin cậy của người tiêu dùng, để giúp các doanh nghiệp phân phối hàng hóa là cách làm. Tuy nhiên, đối với các bếp ăn tại khu công nghiệp thì rau an toàn khó vào được vì giá thành cao. Người tiêu dùng còn tiện đâu mua đó, chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình và mọi người trong gia đình.

Về phía mình, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành như: Cam Cao Phong (Hòa Bình), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải Thanh Hà (Hải Dương), hải sản (Thanh Hóa, Quảng Ninh), chè Tân Cương (Thái Nguyên)… Thông qua chương trình phối hợp, hàng ngàn cơ sở cung cấp nông sản an toàn có nhãn hiệu hàng hóa, tem nhận biết, bao bì chứa đựng thực phẩm... được trực tiếp đưa vào tiêu thụ tại các điểm bán hàng, siêu thị trên địa bàn Thủ đô.

Còn ông Nguyễn Thái Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn cho biết: Diễn đàn như trên rất hữu ích với doanh nghiệp. Qua diễn đàn, doanh nghiệp tìm những đầu mối cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, rau sạch. 

Thông qua diễn đàn này, đơn vị tổ chức và các cơ quan quản lý nhà nước mong muốn nâng cao ý thức, nhận thức của những người sản xuất, phân phối nông sản an toàn; tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và kênh phân phối uy tín. Đồng thời, là dịp chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông sản, rau an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, giữa Nhật Bản và Hà Nội, từ đó thiết lập các chuỗi cung ứng nông sản an toàn có chất lượng, bền vững; Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản để ngưởi tiêu dùng nắm được thông tin đâu là sản phẩm an toàn và đơn vị sản xuất, phân phối những sản phẩm nông sản, rau an toàn. Các DN, HTX sản xuất đánh giá cao Diễn đàn này, mở ra cơ hội để các nhà sản xuất gặp gỡ được các đơn vị phân phối, cơ sở bếp ăn để tiêu thụ nông sản.

 

Xuân Cường/Báo Tin tức
Quán cơm 2.000 đồng đầy ắp thịt cá giữa đất Hà Nội
Quán cơm 2.000 đồng đầy ắp thịt cá giữa đất Hà Nội

Với mong muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, quán cơm 2.000 đồng được một câu lạc bộ thiện nguyện mở tại nội đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN