Những ngày cuối năm Tân Sửu, Khánh Hòa đã đạt các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và chuyển từ trạng thái phòng, chống dịch cấp độ 2 chuyển sang trạng thái “bình thường mới” - cấp độ 1.
Tính đến ngày 28/1, Khánh Hòa ghi nhận 62.418 ca mắc, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 và 2 toàn tỉnh, tính trung bình đạt trên 100%, riêng mũi 3 đạt gần 70%. Với tỷ lệ phủ vaccine cao, người dân Khánh Hòa tin tưởng Tết năm nay sẽ có các hoạt động vui chơi an toàn.
Những ngày này, trên đường phố Nha Trang, sắc hoa vàng của cúc Ninh Giang, Cam Lâm ngập tràn trên hè phố. Những chậu mai, cành đào cũng đua nhau hé nụ, người qua, người người khoác áo mới du xuân, thưởng cảnh, chụp hình…, tất cả tạo nên một thành phố với sắc màu rực rỡ ngày xuân.
Chị Nguyễn Thị Phương Oanh, thành phố Nha Trang cùng gia đình dạo phố vui xuân tại khu vực đường hoa Trần Hưng Đạo, Nha Trang chia sẻ: Trong năm 2021, gia đình chị có người mắc COVID-19, chị cùng người thân đã vượt qua một năm đầy khó khăn dưới sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền. Chị mong rằng, năm 2022, nhà nhà, người người đều bình an, sức khỏe và trong dịp Tết khi vui chơi, mọi người vẫn không nên chủ quan, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho bản thân và gia đình .
Cũng giống như chị Phương Oanh, gia đình cô Đỗ Thị Nhiều trong những ngày giáp Tết cùng nhau đi Hội hoa xuân thành phố Nha Trang, cho rằng: Năm nay dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Nhưng đến lúc này, hội hoa Xuân đã góp phần đem niềm vui, phấn khởi đến với mọi nhà.
Có được dấu ấn và sự ghi nhận của người dân với công tác chuẩn bị cho các hoạt động vui xuân đón Tết là cả sự nỗ lực lớn của chính quyền thành phố Nha Trang. Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND thành phố cho biết:
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, do đó thành phố đã nỗ lực thực hiện, tổ chức tốt Hội hoa xuân, trang trí đường phố… mang màu sắc ngày Tết đến với nhân dân nơi đây. Người dân đến với Nha Trang cũng có thể cảm nhận sự vui vẻ, tươi vui của thành phố sau những ngày khó khăn bởi dịch COVID-19.
“Trong năm 2022, thành phố tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19. Chính quyền mong muốn nhân dân tiếp tục hợp tác cùng thành phố, để sớm đưa địa phương trở lại sắc màu phố biển nhộn nhịp. Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022, thành phố sẽ có tổ công tác thực hiện kiểm tra thường xuyên ở các điểm vui xuân, đảm bảo an ninh trật tự và công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định”, ông Nguyễn Sỹ Khánh cho biết.
Không riêng những người dân Khánh Hòa cảm nhận, khách du lịch từ phương xa đến Khánh Hòa trong dịp Tết Nguyên đán cũng rất háo hức trước những chương trình, hoạt động mà tỉnh tổ chức trong dịp này.
Chị Nguyễn Thị Thu, người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Nha Trang hôm 26 tháng Chạp cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay chị không đón Tết như mọi năm mà chuyển sang du lịch xuyên Tết. Đến Khánh Hòa, từ dịch vụ đón tiếp ở khách sạn cho đến ăn uống, vui chơi chị đều rất hài lòng. Thành phố Nha Trang dẫu qua một năm đầy khó khăn do dịch COVID-19, nhưng Tết vẫn nhộn nhịp các điểm bán hoa, cây cảnh, tiểu cảnh trang trí sinh động, rất có sinh khí.
Khánh Hòa cũng lên kế hoạch tổ chức 26 sự kiện kéo dài đến hết mùng 10 Tết Nguyên đán. Năm nay, tỉnh không tổ chức bắn pháo hoa chào mừng, nhưng trong đêm giao thừa sẽ có chương trình nghệ thuật và ca múa nhạc, thời trang, biểu diễn lân sư rồng, nghệ thuật tuồng, dân ca tại Quảng trường 2/4. Trong tối mùng 3 Tết sẽ có biểu nghệ thuật Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng 3/2/1930 - 3/2/2022), 92 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/2/1930 - 24/2/2022).
Theo đánh giá của người dân, các hoạt động văn hóa, thể thao trong tuần lễ mừng Đảng - mừng Xuân được tổ chức phong phú, đa dạng. Chỉ riêng ở thành phố Nha Trang, bên cạnh các hoạt động thường xuyên ở Quảng trường 2/4, trên tuyến đường quanh công viên còn diễn ra triển lãm tranh, ảnh về Tết cổ truyền; thi đấu cờ người. Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã bố trí sân khấu phụ tại công viên để tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố hàng đêm.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cho biết, trước diễn biến của đại dịch trên toàn cầu, tại các điểm di tích đều có nhân viên kiểm soát về phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, bà con nhân dân cần tuân thủ và thực hiện đầy đủ thông điệp 5K của bộ Y tế khi du xuân tại đây. Trong những ngày Tết, di tích Tháp Bà Ponagar, danh lam thắng cảnh Hòn Chồng đều có các hoạt động biểu diễn nhạc cụ, biểu diễn làm gốm, dệt thổ cẩm, múa Chăm, triển lãm thư pháp, tặng chữ, múa lân sư rồng đầu năm.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa Nguyễn Thanh Hà cho biết, năm nay, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật; đổi mới một số hoạt động trưng bày, triển lãm. Tiêu biểu như tổ chức trưng bày các sản vật, làng nghề truyền thống đặc trưng của Khánh Hòa; thực hiện chế biến các bánh, mứt truyền thống trong ngày tết để nhân dân và du khách thưởng thức miễn phí, nhằm tái hiện lại không gian làm bánh, mứt đón Tết của ông, cha chúng ta.
Với nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc trong ngày Tết, tỉnh Khánh Hòa mong muốn nhân dân sẽ có những ngày vui vẻ, ý nghĩa bên cạnh người thân, gia đình. Từ đó, người dân cùng với tỉnh sẽ vượt qua những khó khăn do đại dịch để bước sang năm mới phục hồi, ổn định và lấy lại đà tăng tưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ trong Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đề ra.