Sau một năm lao động vất vả, gia đình anh Vừ A Thinh ở bản Cang Kéo, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp lại quây quần, cùng nhau đón một năm mới với nhiều niềm vui. Năm vừa qua, nhờ thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống kinh tế của gia đình đã no đủ và ấm cúng hơn. Bên bếp lửa, câu chuyện về những niềm vui, nỗi buồn trong năm cũ cũng được các thành viên trong gia đình anh ôn lại.
Nhớ lại những cái Tết trước đây, anh không khỏi suy tư vì có những lúc “làm không đủ ăn”. Nhưng rồi nhờ sự quyết tâm, nỗ lực cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình anh đã có đủ cái ăn, cái mặc, con cái được học hành đầy đủ. Dù vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhưng năm nay, gia đình anh đã yên tâm đón một cái Tết no ấm hơn trước.
Anh Vừ A Thinh chia sẻ: Tết năm nay, anh rất vui vì cuộc sống đã bớt vất vả hơn so với trước kia. Sau một năm tích cực lao động, gia đình đã có của ăn của để, đón Tết đầy đủ hơn. Bước sang năm mới, gia đình anh sẽ phấn đấu hơn nữa để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trên các bản của người Mông ở huyện Sốp Cộp, mùa Xuân đã gõ cửa mọi nhà. Gác lại việc lao động, sản xuất, người dân các bản vùng cao đã thay bộ trang phục mới, rực rỡ sắc màu để vui Xuân, đón Tết. Trên những khoảng đất rộng trong bản, những chàng trai cô gái người Mông lại cùng nhau đi ném trái pa pao để giao duyên hẹn hò. Ngày Tết cũng là dịp để đồng bào vùng cao được gặp gỡ bạn bè, vui chơi, chuyện trò, chia sẻ những vui buồn của một năm đã qua. Họ đều có chung mong muốn là mùa màng bội thu hơn, để cùng nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.
Ông Vừ Vả Chả, Trưởng bản Cang Kéo, xã Nậm Lạnh cho hay, hàng năm cứ đến dịp Tết, bản thường xuyên tổ chức chương trình văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian như đánh cù, bắn nỏ, đá bóng. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được bản tổ chức tiết kiệm, an toàn, giúp bà con trong bản phấn khởi hơn và cùng đoàn kết giúp nhau trong một năm mới.
Xã Mường Và là địa phương có nét đặc trưng riêng tại huyện vùng biên Sốp Cộp. Đây được biết đến là nơi có trên 80% là đồng bào dân tộc Lào sinh sống. Cùng với các dân tộc anh em khác trên địa bàn, cuộc sống của đồng bào dân tộc Lào ở đây đang từng ngày thay đổi. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đến nay bộ mặt thôn bản đã khang trang, thu nhập của người dân được nâng lên nhiều lần so với trước. Minh chứng tiêu biểu cho sự phát triển kinh tế của bà con ở đây là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi đã thay thế cho những ngôi nhà bằng tre nứa.
Ông Lò Văn Hưa, bản Mường Và phấn khởi cho biết, năm qua, gia đình ông đã tích cực lao động, sản xuất từ làm ruộng, làm nương, đào ao thả cá. Nhờ đó, gia đình ông đã dành được một khoản tiền để xây dựng ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp hơn. Không những thế, ngôi nhà mới lại hoàn thành vào đúng dịp gần Tết Nguyên đán nên gia đình ông rất vui mừng, phấn khởi.
Song song với phát triển kinh tế, đồng bào dân tộc Lào ở đây không quên giữ gìn những nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống. Bởi nơi đây từ bao đời nay đã có một công trình kiến trúc cổ kính mang biểu tượng của dân tộc Lào đó là tháp Mường Và. Nằm ở vị trí trung tâm xã, tháp Mường Và được người dân ở đây tôn sùng và bảo vệ từ bao đời nay. Đặc biệt, vào những dịp quan trọng trong năm như khi kết thúc vụ mùa hay bắt đầu năm mới, đây chính là nơi đồng bào người Lào cùng nhau đến để cầu bình an, may mắn.
Chị Lò Thị Thiết, người dân tộc Lào cho biết, việc đến tháp Mường Và vào dịp năm hết, Tết đến để cầu cầu chúc một năm mới an lành, nhiều may mắn là điều không thể thiếu. Khi đến đây, chị thường cầu mong cho mọi người được mạnh khỏe hạnh phúc, năm mới mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu.
Đời sống văn hóa - tinh thần của bào dân tộc trên địa bàn huyện sốp Cộp có nhiều đổi thay. Mức hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên. Hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu xây dựng với 8/8 xã có nhà văn hóa kiên cố, 95 nhà văn hóa bản, 172 đội văn nghệ quần chúng. Cùng với đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới những năm qua, đã đạt được nhiều kết quả, tạo lên diện mạo mới, sức sống mới khu vực miền núi.
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, để giúp bà con yên tâm, phấn khởi vui Xuân, huyện Sốp Cộp đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn ở vùng cao biên giới. Các chương trình như: Tết ấm vùng biên; phiên chợ nhân đạo, Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản đã giúp người dân có thêm động lực, niềm tin vào Đảng, Nhà nước khi bước sang năm mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp Tòng Thị Kiên cho biết, với phương châm không để hộ nghèo nào thiếu thốn khi Tết đến, Xuân về, ngay từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, chính quyền huyện Sốp Cộp đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người già neo đơn, trẻ mồ côi.
Để đảm bảo người dân đón Tết cổ truyền trọn vẹn, an toàn, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, lực lượng vũ trang thực hiện tốt công tác bám nắm địa bàn và xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an ninh biên giới cho bà con.