Tuy nhiên, theo ông Trần Vĩnh Tuyến, một số sở, ngành được ủy quyền còn thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, vì thế cần mạnh dạn nhận ủy quyền để làm nhanh hơn, đồng thời hoàn chỉnh quy trình 85 đầu việc thông qua việc tập huấn cho thủ trưởng các đơn vị để tạo sự đồng bộ trong thực hiện. Ngoài ra, các đơn vị cần công khai minh bạch các đầu việc được ủy quyền cho người dân, doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện cho biết: Việc ủy quyền đã giúp địa phương rút ngắn thời gian giải quyết vì giảm khâu trung gian khi hồ sơ không phải qua sở, ngành thẩm định hoặc phải trình UBND thành phố xem xét, quyết định mà các sở, ngành, UBND các quận, huyện sẽ xem xét theo thẩm quyền đã được ủy quyền. Điều này góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí hành chính, văn thư, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho cá nhân, tổ chức.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện ủy quyền, Sở đã giải quyết xử lý hồ sơ của quy trình công nhận Hiệu trưởng trường trung cấp tư thục theo quy định là 20 ngày làm việc xuống còn 12 ngày. Việc phê duyệt kế hoạch và thực hiện quỹ lương hàng năm của doanh nghiệp nhà nước được thuận lợi, chủ động hơn và thời gian ngắn hơn so với trước đây.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị UBND thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký quyết định bổ nhiệm hòa giải viên lao động thành phố; có ý kiến trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp trên địa bàn; ký ban hành các quyết định hưởng trợ cấp 1 lần, bảo hiểm y tế và mai táng phí...
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát nhiệm vụ được ủy quyền; xây dựng đầy đủ quy trình hướng dẫn, công khai, minh bạch để tổ chức, cá nhân biết và thực hiện; rà soát, đánh giá việc phân công nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, giao biên chế cho các cơ quan đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, thành phố sẽ thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật để cập nhật kịp thời điều chỉnh các Quyết định số 4712/QĐ-UBND, Quyết định số 4713/QĐ-UBND cho phù hợp. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và rà soát phân công, bố trí công chức, viên chức giải quyết các nhiệm vụ được ủy quyền ngày càng phù hợp gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. Từ đó, các đơn vị nâng cao tinh thần phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị xây dựng quy trình nội bộ giải quyết hồ sơ cho từng nội dung được ủy quyền để phân công và xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết để có thể rút ngắn thời gian xử lý góp phần cải cách hành chính. Đối với nội dung đề xuất ủy quyền mới, phải đánh giá thật kỹ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp để khắc phục tình trạng UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhưng không phát sinh hồ sơ.
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã ban hành 47 quyết định phê duyệt đối tượng thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, Sở Giao thông vận tải ban hành quyết định phân khai chi tiết vốn đầu tư công đối với 8 chương trình đầu tư công, Sở Kế hoạch và Đầu tư ký xác nhận chuyên gia thực hiện các dự án ODA, Sở Công Thương cấp 6 giấy phép hoạt động điện lực…