Phải có thư xin lỗi với người dân và doanh nghiệp khi giải quyết hồ sơ trễ hẹn

Năm 2018, TP Hồ Chí Minh phấn đấu tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tăng cường nhân sự đầu mối cải cách hành chính, đẩy mạnh công nghệ thông tin trong cải cách hành chính công nhằm hoàn thành mục tiêu nâng chất cải cách hành chính của thành phố.

Đó là thông tin bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh, cho biết tại buổi tổng kết cải cách thủ tục hành chính năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/1.


Theo bà Võ Thị Trung Trinh, năm 2017, TP Hồ Chí Minh có nhiều nỗ lực trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4. Năm 2017, tại các quận, huyện có chuyển biến lớn khi triển khai dịch vụ này. Theo đó, các quận huyện triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã triển khai tăng được 116 thủ tục so với 2016; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng 64 thủ tục so với 2016. Người dân, doanh nghiệp tại các quận, huyện có dịch vụ công trực tuyến đã sử dụng nhiều dịch vụ như: cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp phép nhà ở riêng lẻ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất…

Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực xây dựng, nhà đất còn nhiều hồ sơ trễ hẹn ở các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh

“Năm 2018, để tăng hiệu quả và tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và công tác hỗ trợ ban đầu cho người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bởi, tâm lý người dân lúc đầu đều e ngại sử dụng khó khăn nhưng khi chúng ta có đơn vị hỗ trợ ban đầu thì người dân và doanh nghiệp sẽ nhận thấy việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến rất dễ dàng. Khi sử dụng 1-2 lần thành công, người dân, doanh nghiệp đó sẽ thông qua bạn bè, đồng nghiệp để giới thiệu các dịch vụ công trực tuyến đang triển khai tại các quận, huyện, như vậy cũng sẽ tăng tỉ lệ người sử dụng dịch vụ công trực tuyến”, bà Trinh cho biết thêm.


Tại hội nghị, nhiều đại biểu tham dự cho rằng, hiện nay các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng, nhà đất dù có nhiều cải cách song chuyện trễ hẹn vẫn xảy ra. Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, than phiền rằng tại các quận, huyện vùng ven, hồ sơ nhà đất cần giải quyết chiếm tỷ lệ cao và hồ sơ tồn, trễ hẹn của lĩnh vực này cũng chiếm nhiều nhất.


Tương tự, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết qua một năm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, huyện nhận thấy chưa cải cách hành chính tốt, có đến 53% hồ sơ bị trễ hẹn. Đứng đầu hồ sơ trễ hẹn phải kể đến thủ tục nhà đất. Theo thống kê của huyện, hiện còn 1.000 hồ sơ nhà đất đang "mắc kẹt" ở Sở Tài nguyên Môi trường.


Nói về vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết công tác cải cách hành chính năm 2017 của thành phố đã có nhiều chuyển biến, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai ở các lĩnh vực "nóng" như đô thị, nhà đất, kinh tế… vì vậy, nhiệm vụ năm 2018, các lãnh đạo các Sở ngành, quận huyện, phường xã, thị trấn cần tập trung thực hiện có hiệu quả các kế hoạch cải cách hành chính của Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đưa ra.


“Trong đó, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu đưa vào hoạt động 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tăng cường tuyên truyền về lợi ích sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp. Nâng chất hoạt động giải quyết hồ sơ hành chính, cần giảm nhanh số hồ sơ trễ hẹn và phải có thư xin lỗi với người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu đặt mục tiêu mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 90%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên cổng thông tin một cửa điện tử của thành phố đạt trên 90%; 100% các sở, ngành, quận huyện phải xây dựng kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính để thực hiện một cách hiệu quả”, ông Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo.


Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Cải cách hành chính để 'giữ chân' doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Cải cách hành chính để 'giữ chân' doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Vượt qua một năm đầy thách thức, khó khăn về thiên tai và thị trường, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt vừa vượt các chỉ tiêu kinh tế quan trọng mà Chính phủ đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN