Bài 1: Lợi trước mắt, hại lâu dài
Trong khu vườn nhỏ, Hóa thoăn thoắt tỉa rau, chăm sóc mấy chục chậu hoa, cây cảnh. Người phụ nữ nhỏ bé 31 tuổi có nước da đen giòn đặc trưng của vùng nắng cháy Quảng Bình này đã có 10 năm bươn chải mưu sinh ở miền Nam. Quyết định rời công ty một cách chóng vánh khi dịch COVID-19 xảy đến, 3 mẹ con Hóa trở về sống với ông bà ngoại trong căn nhà cấp 4 chỉ gần 50m2 ở thôn 4, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cuộc sống nối tiếp những bộn bề, khó khăn khi 2 con còn nhỏ, bé thứ 2 mới được 6 tháng tuổi, thu nhập bấp bênh, chỉ dựa vào mảnh vườn nhỏ trồng rau, hoa, trái.
Hơn 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, phải đóng cửa, sản xuất cầm chừng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động. Không ít công nhân mất việc làm hoặc dừng/tạm nghỉ việc, hoặc vì sợ mắc COVID-19 trong 4 làn sóng dịch mà bỏ việc tại các thành phố lớn, trở về quê.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp và gây tổn thương khá nặng nề với quy mô khoảng 50-60% người lao động. Trên 50% người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng mất việc làm, giảm thu nhập. Quý III/2021, dịch bệnh tăng mạnh khiến lao động việc làm thiếu hụt rất lớn, nhất là cuối thời kỳ giãn cách xã hội; thu nhập bình quân của người lao động tại thành phố giảm đến 40% so với bình quân trên cả nước.
Tiền lương, thu nhập giảm, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhiều người đã chọn giải pháp rời bỏ thị trường lao động, rời bỏ nhà máy. Trong số này, không ít người rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn đã tìm đến giải pháp ngắn hạn trước mắt là hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Lê Thị Hóa là một trong số những người như thế.
Lợi trước mắt
Gần 11 năm đi làm, trong đó 10 năm làm công nhân Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai), nhưng khi dịch COVID-19 xảy đến, xác định không “trụ” lại được, Hóa nhanh chóng đi đến quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần và về quê sinh sống. Sau một năm nghỉ việc, tháng 6/2021, Hóa được nhận bảo hiểm xã hội một lần với số tiền 100 triệu đồng.
Lê Thị Hóa chia sẻ, do dịch bệnh, về quê chưa kiếm được việc làm mới, bụng mang dạ chửa, đời sống sinh hoạt hàng ngày có nhiều khó khăn nên em suy nghĩ bồng bột “rút về để có tiền sinh nở”. Lúc rút chỉ nghĩ đơn giản là giải quyết được vấn đề trước mắt, có một khoản để tiếp tục lo cho cuộc sống, mà không nghĩ tương lai sau này như thế nào. Giờ đây, trước cuộc sống bấp bênh, Hóa mới thấy hối hận.
"Bố mẹ em hỗ trợ nhiều, em chủ yếu ở nhà, trồng hoa tới vụ Tết mới bán, rau thì tùy buổi chợ, nên thu nhập thấp lắm", Hóa tâm sự.
Hóa thậm chí không thể tính được một ngày mình làm ra được bao nhiêu tiền vì rau phụ thuộc ngày chợ, ngày bán được ngày không. Ở vùng đất nắng cháy này, trồng rau cũng khó, nên dù vườn rộng nhưng diện tích phủ xanh rau, quả chỉ chiếm 1/3.
“Lúc rút em cứ nghĩ là mình đang còn trẻ, mình sẽ làm ở một công ty khác, sẽ lại đóng bảo hiểm, nhưng rút xong rồi mới hối hận vì quá trình đóng đã dài, bây giờ quay lại từ đầu sẽ là vấn đề khó khăn hơn. Sau khi rút bảo hiểm về, em cũng có suy nghĩ là ba mẹ đã lớn tuổi rồi, vẫn đi làm vất vả, lương hưu thì không có... Thấy ba mẹ như vậy, em suy nghĩ là mình phải thay đổi hơn so với ba mẹ của mình”, Hóa tâm sự.
Nhận được tiền, chỉ một tháng sau, Hóa đã muốn tham gia lại bảo hiểm xã hội. Em mong được trả lại số tiền đã rút (có thể chi trả thêm một phần lãi suất) để được nối tiếp thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, đến lúc về già đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần không thể trả lại để đóng nối tiếp. Được các anh chị ở Bảo hiểm xã hội tỉnh tư vấn, tháng 7/2021, Hóa quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số tiền đã nhận về, phần chi phí sinh hoạt hàng ngày, lo cho con ăn học, phần em gửi tiết kiệm ngân hàng để có tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
“Mình còn trẻ, chưa có gì là muộn. Em nghĩ đến tương lai sau này, khi về già, có bảo hiểm y tế, có lương hưu, em sẽ không phải để ai chăm sóc cho mình, không làm gánh nặng cho con cái hoặc cho người thân trong gia đình”, Hóa chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Hóa đã khuyên người thân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bản thân hay ốm vặt, trước đây đi làm được công ty đóng bảo hiểm y tế, nay Hóa tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Với Hóa, mua bảo hiểm y tế là để chăm sóc bản thân mình, để phòng những lúc ốm đau không phải lo gánh nặng chi trả tiền khám, chữa bệnh.
Không riêng gì Lê Thị Hóa, nhiều người vì lý do nào đó đã rút bảo hiểm xã hội một lần để rồi hối hận vì đã không suy nghĩ thấu đáo. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu ở Tam Dương, Vĩnh Phúc là một ví dụ. Là công nhân may ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn FWKK Việt Nam (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), khi nghỉ việc, chị có 12 năm đóng bảo hiểm xã hội. Do cần tiền để kinh doanh, tháng 9/2020, chị quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần, được 61 triệu đồng. Năm nay đã 40 tuổi, chỉ hơn chục năm nữa là bước vào tuổi già, chị mới tiếc về sự vội vã lúc đó. “Giờ kinh doanh ổn định rồi lại muốn đóng tiếp để sau này về già có lương. Rút rồi giờ cũng thấy hối hận, tiếc lắm, nếu được trở lại lúc ban đầu, tôi sẽ không bao giờ rút”, chị Thu bày tỏ.
Cũng vì khó khăn tài chính, ông Nguyễn Văn Kết (xã Thanh Vân, Tam Dương, Vĩnh Phúc) làm hồ sơ rút bảo hiểm xã hội sau gần 16 năm tham gia. Cầm 96 triệu đồng, ông về đầu tư nuôi lợn. Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, lợn chết, ông lại xin đi làm với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Giờ đây, người đàn ông ngoài 50 tuổi này mới hiểu rút bảo hiểm xã hội một lần là từ bỏ lương hưu, mất chỗ dựa tài chính, nhưng có nuối tiếc thì cũng đã muộn. Đi làm ở công ty mới, ông Kết chỉ mong được ký hợp đồng lao động để đóng bảo hiểm xã hội từ đầu.
Có người rút bảo hiểm xã hội một lần vì khó khăn tài chính, nhưng cũng có những người lựa chọn giải pháp này chỉ vì “rút để cầm tiền về cho chắc”, biết có sống được đến 60-70 tuổi để nhận lương hưu, được đến đâu biết đến đó. Trong số ấy, có những người sau khi ổn định cuộc sống lại thấy nuối tiếc vì rút bảo hiểm xã hội sớm, như ông Kết, chị Thu.
Hại lâu dài
Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc triển khai Nghị quyết 93/2015/QH13 của Quốc hội thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động cho thấy, giai đoạn 2016-2021 có hơn 4,06 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần. Bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người rút. Nhiều năm qua, số người rút bảo hiểm xã hội một lần năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình 11%. Tổng kinh phí chi trả giai đoạn này là 131.940 tỷ đồng.
Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chiếm bình quân 4,7% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tương đương tốc độ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bình quân cả giai đoạn 2014-2020. Điều này có nghĩa cứ 2 người mới tham gia bảo hiểm xã hội thì có 1 người cũ rời khỏi lưới an sinh này.
Trong 4,06 triệu người rút một lần, có khoảng 1,2 triệu người đã quay trở lại hệ thống và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Số người đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội được rút một lần là 30.000 người; 20.000 người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đã tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu.
Theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc giảm hoặc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân họ, gia đình và xã hội, đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn tới tốc độ mở rộng độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội tăng rất chậm.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có thể rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, khi rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ mất đi những lợi ích lâu dài.
Phân tích về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất và ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, đánh mất cơ hội được hưởng an sinh xã hội dài hạn. Toàn bộ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước đó không được bảo lưu, không được hưởng chế độ ốm đau, hưu trí, khám, chữa bệnh. Khi qua đời, thân nhân của họ không được hưởng chế độ tử tuất.
Tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ ra rằng, tổng mức đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội hằng năm của người lao động bằng 2,64% tháng lương, trong khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần chỉ được thanh toán bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Như vậy, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014.
Không những thế, việc người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần còn thiệt thòi ngay trước mắt, vì họ tự tước bỏ các quyền lợi ngắn hạn như hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đợt dịch vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu đủ điều kiện quy định sẽ được hưởng hỗ trợ một lần từ 1,8-3,3 triệu đồng. Những người đã rút bảo hiểm xã hội một lần trước đó sẽ không được hưởng chính sách này.
Bài 2: Bài toán chính sách