Rượu cần “ngóng”… Tết

Chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng “làng rượu cần” Kon Klo, phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vẫn vắng vẻ, khác hẳn sự tất bật, nhộn nhịp chuẩn bị nấu rượu cần mỗi khi tết đến như những năm trước. Nguyên do là trong các gia đình vẫn còn hàng trăm ghè rượu cần được nấu cách đây đã lâu mà chưa có khách đặt hàng.

Dọc tuyến đường Bắc Cạn ra cầu treo Kon Klo-cây cầu treo lớn nhất Kon Tum, có hàng loạt các cửa hiệu bán rượu cần Tây Nguyên của các “nghệ nhân” như Y Xuân, Y Trang, Y Khuê, Y Hanh, Y Thưk… Ở làng này, nấu rượu cần là nghề gia truyền của người dân Ba Na nơi đây. Rượu cần trước đây chỉ dùng trong các dịp lễ như lễ cúng Yàng (trời), lễ cưới, lễ tang, lễ mừng nhà Rông, mừng lúa mới… Ngày nay, rượu cần còn được dùng phổ biến trong cả lễ tết cổ truyền của mọi người, bất kể dân tộc nào. Đối với những người ở xa, đi du lịch hay những người làm việc ở trên mảnh đất thơm nồng mùi rượu cần này cũng không quên mua cho mình một ít ghè về làm quà mỗi dịp tết đến, xuân về.



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.



Theo kinh nghiệm thì rượu cần sẽ ngon nhất nếu được nấu bằng nếp than, sau đến hạt kê. “Chúng tôi nấu rượu bằng gạo nếp than là chủ yếu vì gạo này nấu rượu cần là ngon nhất. Nó có độ nồng ngọt, thơm và có màu đỏ óng mà càng để lâu càng ngon. Khách mua rượu cần ở đây toàn là những người quen, bởi những năm trước họ uống thấy ngon là năm sau cứ thế đến dịp gần về tết người ta đến tận nhà để đặt hàng, có hộ đặt tới hàng chục ghè liền” - chị Y Khuê cho biết.

Thế nhưng, để có gạo nếp than để nấu thì các hộ ở làng Kon Klor này phải mua ở các huyện khác chứ đất ở xung quanh làng đã dần bị thu hẹp và bạc màu nên không thích hợp cho trồng lúa nếp than. Những năm trước, các hộ trong làng cũng đã trồng thử một vài vụ, lúa vẫn trổ bông nhưng không cho hạt hoặc có năng suất rất thấp. Vì vậy để có gạo nếp than nấu rượu cần bà con phải lên tận huyện Sa Thầy, huyện Kon Plong để mua lúa rồi mới về giã lấy gạo.

“Rượu cần là thức uống truyền thống của bà con vì vậy có rất nhiều người làm được. Nhận thấy thị hiếu của người tiêu dùng mà ngày nay người làm và bán rượu cần nhiều lắm. Ở Kon Tum bây giờ hầu như làng nào cũng có người làm rượu cần để bán. Vì vậy họ cũng mua rải rác ở những nơi khác chứ không phải cứ hỏi rượu cần thì chạy ngay về làng Kon Klo này như ngày trước” - chị Y Khuê ở làng Kon Klo chia sẻ.

Mặc dù Tết Nguyên đán chỉ còn hai tuần nữa nhưng đến nay sức tiêu thụ sản phẩm đặc trưng này gần như rất chậm. Nhìn gần 80 ghè rượu bị “ngâm” cùng thời gian, chị Y Khuê tiếc rẻ : “ Nếu ở thời điểm này năm trước, nhà mình đã bán hết số ghè rượu được nấu từ tháng 9, tháng 10 và giờ phải tất bật chuẩn bị nguyên liệu để nấu rượu bán dịp tết thì năm nay mọi hoạt động đều hạn chế hoặc bị ngưng lại". Cũng như chị Y Khuê, những hộ nấu rượu cần để bán tại làng Kon Klor này bây giờ còn đến hàng trăm ghè rượu cần được làm cách đây đã lâu nhưng vẫn chưa có khách đặt hàng.

Theo tính toán của những người nấu rượu cần thì năm nay nếp than, hạt kê mất mùa nên mua giá rất cao từ 7-8 ngàn đồng/kg lên 10-12 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá các ghè đựng rượu cũng tăng cao. Cụ thể ghè 8 lít năm ngoái mua 45 ngàn đồng thì năm nay phải mua tới 70 ngàn đồng; ghè 12 lít thì tăng từ 70 ngàn lên 90 ngàn đồng... Ngoài ra, để có được một ghè rượu bán ra thị trường, người dân phải tốn rất nhiều công đoạn như làm men, xay lúa, giã gạo, nấu thành cơm, ủ một ngày sau đó lại trộn với men… Phải mất gần cả tháng trời thì sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng.

Vất vả là vậy nhưng những người nấu rượu cần ở Kon Tum vẫn bám nghề. Với họ “còn nấu rượu cần là còn gìn giữ được nghề gia truyền của gia đình, dân tộc. Giá trị của việc sử dụng rượu cần không chỉ dừng lại ở uống để thoả mãn nhu cầu mà còn chứa đựng những giá trị văn hoá giao tiếp, ứng xử đầy tình người” - chị Y Khuê tâm sự. Cũng vì lý do trên, những ngày qua, dù còn gần cả trăm ghè chưa bán nhưng chị Y Khuê vẫn nấu thêm một ít để bán dịp gần tết.

Tết đã gõ cửa tận làng, mặc cho sức tiêu thụ có chậm nhưng những người nấu rượu cần ở Kon Klo nói riêng và Kon Tum nói chung vẫn giữ niềm tin vào sự trường tồn của rượu cần trong đời sống văn hoá tinh thần của buôn làng.


Hoàng Cao Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN